Mỗi bộ kinh có tên riêng và tên chung. Tên riêng thì chỉ đặc biệt bộ kinh ấy có; tên chung là tên phổ thông kinh nào cũng có.
Tên riêng là gì? Như tên “Phật thuyết A Di Đà” chính là tên riêng, chỉ có bộ kinh này được gọi thôi, còn những kinh khác thì không. “Kinh” là tên chung, tên chung này kinh nào cũng có. “Chung” là chung của các kinh, “riêng” là chỉ riêng của kinh này.
Không nên xem thường bộ kinh này, vì là kinh thường tụng vào buổi chiều trong chùa. Nhất là kinh này lại là của Phật nói ra.
Có năm hạng người có thể nói kinh:
1/ Phật;
3/ Chư Thiên;
4/ Tiên;
5/ Hóa Nhân, tức là người do Phật hay chư Thiên biến hóa ra.
Trừ kinh của Phật nói ra, kinh điển của bốn hạng người kia nói phải qua sự ấn chứng của Phật mới được gọi là kinh, nếu không thì không thể gọi là kinh được.
Kinh này là từ kim khẩu của Phật giảng nói lý vi diệu, không cần phải thưa thỉnh. Các kinh điển khác thì phải có người thưa hỏi Phật mới nói ra. Chỉ riêng kinh A Di Đà này là không có ai thưa hỏi, Phật tự nói ra. Tại sao thế? Vì nghĩa lý kinh này rất huyền diệu, trí huệ của hàng Thanh văn không thể đạt đến được, tất cả hàng Bồ tát cũng không thể hiểu rõ, cho nên không có nhân duyên người thưa hỏi về pháp môn Tịnh độ. Chỉ vì pháp môn này đáng được nói ra, cho nên Đức Phật xem thấy căn cơ thành thục bèn tự nói kinh này. Kinh này vì thế rất trọng yếu trong Phật giáo.
Tại sao kinh này lại rất trọng yếu? Khi Phật Pháp sắp diệt, diệt trước nhất là Kinh Lăng Nghiêm, vì tất cả Ma vương đều rất sợ chú Lăng Nghiêm. Sau khi Kinh Lăng Nghiêm diệt, các kinh khác lần lượt diệt theo. Lúc bấy giờ dù có giấy đi nữa, nhưng trên giấy không có chữ. Sau cùng chỉ còn Kinh A Di Đà lưu lại thế gian một trăm năm để hóa độ vô lượng vô biên chúng sanh mà thôi. Nhờ sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật mà rất nhiều người được độ, có đến số vô lượng vô biên. Sau đó trong sáu chữ hồng danh lại mất đi hai chữ “Nam mô”, chỉ còn “A Di Đà Phật” lưu lại một trăm năm nữa. Sau đó Phật pháp mới diệt hẳn. Kinh này diệt sau cùng nên là kinh rất trọng yếu trong Phật pháp.