Đã nói rằng tin (niệm Phật ), vậy chưa biết tin những pháp gì

Hỏi: Đã nói rằng tin, vậy chưa biết tin  những pháp gì?

Đáp: Tín nghĩa là theo trong kinh nói:

Tín niệm Phật nhất định vãng sinh Tịnh độ.

Tín niệm Phật nhất định diệt trừ mọi tội lỗi.

Tín niệm Phật nhất định được Phật chứng minh.

Tín niệm Phật nhất định được Phật hộ trì.

Tín niệm Phật đến lúc mạng chung Phật sẽ tiếp dẫn.

Tín niệm Phật, bất luận là chúng sinh nào hễ có lòng tin đều được vãng sinh.

Tín niệm Phật vãng sinh Tịnh độ được ba mươi hai tướng hảo.

Tín niệm Phật vãng sinh Tịnh độ được vào Bất thối.

Tín niệm Phật vãng sinh Tịnh độ nhất định được tự tại, an lạc, trang nghiêm.

Tín niệm Phật vãng sinh Tịnh độ được vào nơi bất tử.

Tín niệm Phật vãng sinh Tịnh độ mãi được làm bạn với chư Bồ tát.

Tín vãng sinh Tịnh độ không còn rời Phật.

Tín vãng sinh Tịnh độ, hoa sen hoá sinh.

Tín Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp.

Tín vãng sinh Tịnh độ không còn rơi vào ba đường địa ngục, ngạ qu, súc sinh.

          Vì thế nên phải niệm Phật. Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Niệm Phật một tiếng tiêu diệt tội nặng của sự sinh tử trong trong tám mươi ức kiếp, lại được công đức vi diệu trong tám mươi ức kiếp”.

Do đó, nên khuyên phát lòng tin.

          Hòa thượng Đại Hạnh bảo người niệm phật: “Tâm chỉ tin Phật, Phật liền biết, vì Phật được Tha tâm thông. Miệng chỉ niệm Phật, Phật liền nghe, vì Phật được thiên nhĩ thông. Thân chỉ kính Phật, Phật liền thấy, vì Phật được Thiên nhãn thông”./ Đây là chỗ khuyến phát lòng tin niệm Phật của Hòa thượng Đại Hạnh.

          Lòng tin cũng như việc trồng cây trái, rễ sâu nên gió thổi không lay động. Về sau, cây sẽ đơm bông kết trái, giúp người qua cơn đói khát. Người niệm Phật cũng như thế, do tin sâu mà được đến Tây Phương thành tựu đạo Giác ngộ chân chánh, cứu giúp mọi điều nguy nan cho tất cả chúng sinh. Vì thế nếu không có lòng tin thì chẳng được gì.

          Trong kinh nói: “Bồ-tát Thập Trụ vừa khởi lòng tin niệm Phật, về sau dù gặp ác duyên mất thân mạng, thà chết chớ không thối thất niềm tin”.

          Kinh Duy Ma nói: “Tin sâu vững chắc giống như kim cương, pháp bảo soi khắp cả giống như mưa cam lồ”.

Thế nên, người niệm Phật cần phải tin sâu.

Luận Vãng Sinh còn nói, niệm Phậtnăm môn. Năm môn ấy là:

  1. Môn Lễ bái: Thân nghiệp chuyên lễ Phật A Di Đà.
  2. Môn Tán thán: Khẩu nghiệp chuyên xưng danh Phật A Di Đà.
  3. Môn Phát nguyện: Mọi công đức của việc lễ niệm chỉ nguyện vãng sinh thế giới Cực lạc.
  4. Môn Quán tưởng: Đi, đứng, nằm, ngồi, chỉ quán tưởng Phật A Di Đà để mau chóng sinh về Tịnh độ.
  5. Môn Hồi hướng: Mọi công đức niệm Phật, lễ Phật đều chỉ nguyện vãng sinh Tịnh độ, mong chóng thành tựu đạo Giác ngộ Vô thượng.

Đó là pháp môn niệm Phật trong Luận Vãng Sinh.

Trong kinh còn nói có bốn cách tu hành. Bốn cách ấy đó là:

  1. Tu lâu dài: Nghĩa là từ khi mới phát tâm niệm Phật, cho đến lúc được vãng sinh thành Phật hoàn toàn không thối chuyển.
  2. Tu thành kính: Nghĩa là thường hướng về phương Tây, chuyên quán tưởng không dời đổi.
  3. Tu không gián đoạn: Nghĩa là chỉ chuyên niệm Phật, không xen lẫn những việc lành khác làm gián đoạn, cũng không bị gián đoạn bởi các phiền não tham sân và các việc ác xen lẫn.
  4. Tu chuyên nhất: Nghĩa là không đem những điều lành khác xen lẫn làm cho gián đoạn. Tại sao? Vì tu tập những điều lành xen lẫn nhiều kiếp mới thành tựu, bởi do tự lực. Chỉ chuyên niệm Phật từ một ngày cho đến bảy ngày liền vãng sinh Tịnh độ, ở vào bậc Bất thối chuyển, mau chóng thành tựu đạo Giác ngộ Vô thượng. Do nương sức bản nguyện của Phật A Di Đà được nhanh chóng thành tựu, nên gọi là tu chuyên nhất.

          Vả lại theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, người siêng năng niệm Phật sẽ được Thượng phẩm Thượng sinh. Kinh nói: Nếu có chúng sinh nguyện sinh về cõi nước kia, phát ba thứ tâm thì được vãng sinh”.

Ba thứ tâm ấy là:

  1. Tâm chí thành.
  2. Tâm sâu xa.
  3. Tâm phát nguyện hồi hướng.

Người đủ ba thứ tâm này tất được vãng sinh Tịnh độ.

– Sao gọi là tâm chí thành? Thân nghiệp chuyên lễ Phật A Di Đà, khẩu nghiệp chuyên lễ Phật A Di Đà, ý nghiệp chuyên tin Phật A Di Đà, cho đến lúc vãng sinh Tịnh độ, mãi đến khi được thành Phật không sinh tâm thối chuyển, nên gọi là tâm chí thành.

– Tâm sâu xa: Tức là phát khởi lòng tin chân thật, chuyên niệm danh hiệu Phật, thệ nguyện vãng sinh Tịnh độ, lấy việc thành Phật làm kỳ hạn, hoàn toàn không nghi ngờ, nên gọi là tâm sâu xa.

– Tâm phát nguyện hồi hướng: Mọi công đức lễ Phật, niệm Phật chỉ nguyện vãng sinh Tịnh độ mau chóng thành tựu đạo Giác ngộ Vô thượng, nên gọi là tâm phát nguyện hồi hướng.

          Đây là pháp Thượng phẩm Thượng sinh trong kinh Quán Vô Lượng Thọ.

          Kinh Văn Thù Bát Nhã còn nói : « Không quán tướng mạo, chuyên xưng danh hiệu tu Nhất Hạnh tam muội. Nếu muốn được mau thành Phật cũng chỉ tu Nhất Hạnh tam-muội này. Muốn đầy đủ Trí biết tất cả cũng nên tu Nhất Hạnh tam-muội. Muốn được mau vãng sinh Tịnh độ cũng nên tu Nhất Hạnh tam-muội ».

Đây là pháp niệm Phật vãng sinh trong kinh Văn Thù Bát Nhã.

          Kinh A Di Đà lại nói : « Này Xá Lợi Phất !Nếu có người thiện nam, thiện nữ nghe nói về Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu. Hoặc một ngày, hoặc hai ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn. Người ấy lúc mạng chung Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng hiện ra trước mặt. Người ấy lâm chung tâm không điên đảo, liền được vãng sinh về cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà».