“Duy Tuệ Thị Nghiệp” Có Ý Nghĩa Gì Và Xuất Xứ Từ Đâu

Duy tuệ thị nghiệp” có ý nghĩa gì và xuất xứ từ đâu? Mong được giảng rõ ý nghĩa của TuệNghiệp.

Phạm Thị Hạnh, số 38, khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, T/P Hồ Chí Minh

Câu “Duy tuệ thị nghiệp” có xuất xứ từ Kinh Bát Đại Nhân Giác (tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân, tức của Phật, Bồ-tát…). Kinh do ngài An Thế Cao dịch năm 148, đời Hán Hoàn Đế (Hậu Hán), được đưa vào Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, số 779. Câu này thuộc điều giác ngộ thứ ba, nguyên văn chữ Hán như sau: Tâm vô yểm túc, duy đắc đa cầu, tăng trưởng tội ác; Bồ-tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, an bần lạc đạo, duy tuệ thị nghiệp. (Tâm tham không chán, cứ mong được nhiều, tăng trưởng tội ác; Bồ-tát chẳng vậy, thường nghĩ biết đủ, chỉ tuệnghiệp); ý nói Bồ-tát an nhiên trong thanh bần, vui với đạo, chỉ lấy việc vun bồi phát triển trí tuệ làm sự nghiệp của mình. Từ Nghiệp trong câu trên nên được hiểu một cách đơn giản là sự nghiệp, là công sức xây dựng để được kết quả như ý. “Duy tuệ thị nghiệp” được hiểu như là một châm ngôn, một khẩu hiệu, đề cao sự phát triển trí tuệ để từ đó đạt được trí tuệ tuyệt đối toàn hảo của chư Phật.

Trong khuôn khổ của cuốn sách này, chúng tôi xin trình bày vắn tắt nhưng căn bản về TuệNghiệp:

Tuệ (Prajna, Panna) hay bát nhã, trí tuệ, minh… là cái biết về lý, sự của hết thảy các pháp, khi tiến đến chỗ rốt ráo, trọn vẹn thì đó là Phật trí, hay Nhất thiết chủng trí của chư Phật. Tuệ hay Bát nhã Ba la mật (sự toàn hảo của Tuệ) là trí tuệ của chư Bồ-tát. Trí tuệ này không giống như sự thông minh, hiểu biết hay khả năng suy luận của người đời; nó có khả năng quán chiếu và thấy đúng thực tướng của các pháp, nó là Không, không chướng ngại, xa rời mọi điên đảo, thẳng đến Niết-bàn rốt ráo (xem Bát nhã Ba la mật đa Tâm kinh). Trong sáu Ba la mật (sáu sự toàn hảo), trí tuệ Ba la mật được xem là quan trọng nhất, là mẹ của chư Phật (vì chính từ trí tuệ này mà phát sinh Nhất thiết chủng trí của chư Phật).

Bát nhã Ba la mậttrí tuệ của Bồ-tát như đã nói, nhưng vì hết thảy chúng sinh đều có Phật tính cho nên cái biết của chúng sinh cũng là cơ sở để biến thành tuệ của Bồ-tát, rồi thành Phật trí. Do đó nhiều kinh sách cũng đã phân biệt nhiều loại trí tuệ. Đó là:

1/ Nhất thiết trí, tức trí biết rõ tổng tướng của các pháp (Không tướng), đây là trí của hàng Thanh văn, Duyên giác.

2/ Đạo chủng trí, tức trí biết rõ biệt tướng của các pháp, đây là trí của hàng Bồ-tát và,

3/ Nhất thiết chủng trí tức trí thông đạt tổng tướng và biệt tướng của các pháp, đây là trí của chư Phật.

Ngoài ra còn có nhiều phân biệt khác nữa về các loại trí: Cộng Bát nhãtrí chung của Thanh văn,

Duyên giác, Bồ-tát và Bất cộng Bát nhãtrí của Bồ-tát; Thế gian trítrí của thế gian còn gọi là Phương tiện Bát nhã hay Văn tự Bát nhã (do học kinh điển mà có) và Bát nhã tức trí tuyệt đối (do tu mà có); Thật tướng Bát nhã (trí tuyệt đối vốn có của chúng sinh) và Quán chiếu Bát nhãtrí quán chiếu đối cảnh mà tìm sự chân thật; Thế gian trí của phàm phu, Xuất thế gian trí của Thanh văn, Duyên giác và Xuất thế gian thượng trí của Phật và Bồ-tát; Văn tuệ, tức tuệ do nghe kinh điển mà có, Tư tuệ, tức tuệ do tư duy mà có và Tu tuệ, tức tuệ do tu mà có.

Nghiệp (Karma hay Kamma) là kết quả của những hành động có tác ý. Đó là những tác thành của hành động, lời nói và ý nghĩ (thân, khẩu, ý). Nếu kết hợp với quan hệ nhân quả thì nghiệpnăng lực do những hành vi trong quá khứ (của đời này và các đời trước) kéo dài đến hiện tại và tương lai (của đời này và các đời sau). Một cách khái quát, ta phân biệt thiện nghiệpác nghiệp, từ đó sinh ra các quả báo tốt (thiện) và quả báo xấu (ác)… Do đó, nếu ta thực hiện học tập, vun trồng trí tuệ, tức là ta gây thiện nghiệp và sẽ đạt thiện quả là trí tuệ của hàng Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, và cuối cùng là Nhất thiết chủng trí của chư Phật. Trong nghĩa hẹp và rất cụ thể, như đã nói, những gì ta tạo tác xây dựng trong đời ta với ý hướng tốt đẹp thì đấy là sự thực hiện nghề nghiệp tốt, sự nghiệp tốt hay thiện nghiệp; đây chính là ý nghĩa căn bản của từ Nghiệp trong câu “Duy tuệ thị nghiệp” vậy.

http://tapchivanhoaphatgiao.com