Hòa thượng Thích Minh Trực, pháp húy Chơn Như, thế danh là Võ Văn Thạnh, tự Trương Văn Học, sinh năm Ất Mùi (1895), tại xã Phước Vân, tổng Lộc Thành Thượng, tỉnh Chợ Lớn (cũ), nay là xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Thân phụ Ngài là cụ ông Trương Văn Bền, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Mai, pháp danh Bất Phàm tự Diệu Giác. Cả hai đều là cư sĩ Phật tử thuần thành. Ngài là con thứ 4 trong gia đình.
Ngài xuất thân trong một gia đình thuộc thành phần trung nông, thân phụ mất sớm, cụ bà lo nuôi dưỡng ăn học. Thuở nhỏ, Ngài được thân mẫu dẫn đến quy y Tam bảo ở chùa Mỹ Phước, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Sau đó, Ngài tiếp tục lên Sài Gòn học Nho học và Tây học cho đến khi đỗ đạt. Do có túc duyên với Phật pháp nhiều đời, nên ngoài kiến thức thế gian, Ngài còn thường xuyên gần gũi các bậc cao Tăng thạc đức, các giới học giả trí thức, để tham cứu kinh sách Tam giáo, và quyết định chọn cho mình một con đường để đi, đó là Phật giáo.
Năm 29 tuổi (1924), Ngài xuất gia tại chùa Tam Tông (Sài Gòn) rồi cùng các cụ Minh Chánh, Minh Giáo, Minh Truyền, Minh Đàm, Minh Thiện sáng lập Tam Tông Miếu – Minh Lý Thánh Hội tại quận Ba, Sài Gòn. Trong thời gian tu học ở đây, Ngài thiết lập thiền thất chuyên nghiên cứu Phật học và cùng với các vị tôn túc danh Tăng : Tổ Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Đạt Thanh; Hòa thượng Từ Quang, Thành Đạo, Thiện Hòa, Thiện Hoa… học hỏi, trao đổi giáo lý Phật đà. Ngoài ra, Ngài quan hệ và tham gia các phong trào chấn hưng Phật giáo : Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật Học, Giáo hội Lục Hòa Tăng, Giáo hội Tăng Già Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt để mở rộng sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh sau này.
Năm 1948 (nhằm ngày 5 tháng 1 năm Mậu Tý), sau hơn 20 năm tu học tinh tấn, thân cận các bậc Thiện tri thức, Ngài khai sơn Tổ đình Phật Bửu Thiền Tịnh Đạo Tràng. Ngài hiển dương pháp môn Thiền Tịnh song tu và được lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay.
Theo Ngài, muốn nhiếp hóa đồ chúng dễ dàng, phải kết hợp cả Thiền lẫn Tịnh, cả đốn lẫn tiệm. Về thiền, Ngài căn cứ vào yếu chỉ kinh tạng Đại thừa đốn ngộ : Duy Ma Cật, Viên Giác, Pháp Bảo Đàn… Về Tịnh độ, Ngài y cứ vào kinh Di Đà Đại Bổn, Thiền Môn Nhựt Tụng mà Ngài diễn dịch rất chu đáo để hướng dẫn đồ chúng trên đường tu học.
Vốn có căn bản về Nho học lẫn Tây học, lại thêm sự thấu đạt nghĩa lý sâu xa của Phật pháp, nên từ năm 1948 đến cuối đời, Ngài đã để hết tâm trí miệt mài dịch kinh, viết sách để truyền đạt tư tưởng giáo lý của Phật Tổ, vừa phát huy được truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, tụng kinh tiếng Việt. Những bộ kinh được Ngài dịch ra Việt ngữ như : Nhựt Tụng, Pháp Bảo Đàn, Duy Ma Cật, Đại Viên Giác, Đốn Ngộ Nhập Đạo, Di Đà, Hồng Danh, Phổ Môn, Bát Nhã Tâm Kinh và sáng tác Lễ Bổn, Tham Thiền Bửu Sám, Thiền Tịnh Chơn Ngôn, Xuân Di Lặc và một số các thi kệ, liễn đối ở các tự viện.
Năm 1952, Ngài là một trong quý Hòa thượng lãnh đạo các Giáo phái Phật giáo Nam Bộ cung nghinh ngọc xá lợi Phật Tổ do Phái đoàn Phật giáo Tích Lan thỉnh theo, trên đường đi Hội nghị Phật giáo ở Nhật Bản quá cảnh Sài Gòn, cũng trong năm này, Hội Phật học Định Tường suy tôn Ngài làm Pháp chủ của Hội.
Năm 1953, Ngài đã cùng Hòa thượng Đạt Thanh và phái đoàn sang hóa đạo tại nước Cao Miên.
Năm 1955, Ngài đã tham gia cùng phái đoàn miền Nam Việt Nam dự Hội nghị Bang Đung tại Nam Dương (Indonesia) và tại Nhật Bản. Ngài từng là Pháp sư trong các lễ hội do Giáo hội bạn tổ chức.
Năm 1963, Ngài là Cố vấn Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, lãnh đạo giáo phái Thiền Tịnh Đạo Tràng đứng chung với 11 tổ chức Phật giáo miền Nam, đấu tranh chống chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Ngày 22.8.1963, Ngài và toàn bộ Tăng chúng Tổ đình đã bị chính quyền Diệm bắt giam tại Rạch Cát cùng chung với các vị lãnh đạo Ủy ban Liên phái.
Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, Ngài là thành viên của Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống. Sau đó, vì có quan điểm khác nhau, nên một số tổ chức Phật giáo đã đứng ra ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để thành lập Tổng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài được chư tôn Hòa thượng lãnh đạo Tổng Giáo hội suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ.
Trên bước đường hành đạo, Ngài trải bao gian khổ qua các bước quan san hẻo lánh khó khăn, Ngài đã cùng môn đệ xây dựng thêm nhiều cảnh chùa thuộc Tổ đình Phật Bửu Thiền Tịnh Đạo Tràng, cùng mang tên Phật Bửu tại Quảng Ngãi, Bình Định, Châu Đốc, Mỹ Tho, Bến Tre, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu và các quận huyện ở thành phố như : Quận 4, Bình Thạnh, Hóc Môn. Và năm 1974, thêm một ngôi chùa Phật Bửu tại Long Hải được ra đời.
Năm 1975, vì tuổi già sức yếu và thọ bệnh, Ngài cho xây tháp tại Phật Bửu Tự Hóc Môn và di huấn cho đệ tử lo việc tu học, điều hành môn phái.
Thế sự vô thường, có sinh có diệt. Ngày mồng 5 tháng 5 năm Bính Thìn (2.6.1976), Ngài đã an nhiên thị tịch vào lúc 20 giờ sau thời kinh Di Đà. Ngài trụ thế 82 tuổi, hưởng 52 tuổi đạo. Sau khi trà tỳ, xá lợi Ngài được tôn trí vào các bảo tháp ở Tổ đình Phật Bửu ở quận 3, Phật Bửu Tự Hóc Môn và Phật Bửu Tự Phước Vân.
Suốt cuộc đời tu hành, Ngài đã có nhiều cống hiến cho công cuộc hoằng hóa lợi sanh. Ngài đã kết hợp “Thiền Tịnh song tu” và xây dựng nhiều chùa cảnh làm nơi truyền bá đạo pháp cũng như phiên dịch kinh tạng giúp cho hậu thế thuận đường tu học. Ngài xứng đáng là một Trưởng lão tôn túc của Phật giáo miền Nam và toàn thể Phật giáo Việt Nam.