Hòa Thượng Thích Thiện Chiếu (1898-1974)

Hòa thượng Thích Thiện Chiếu thế danhNguyễn Văn Tài, còn có tên khác là Nguyễn Văn Sáng, bút hiệu là Xích Liên, sinh năm 1898 tại xã Long Hựu, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Ngài sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống đạo Phật. Ông nội là Hòa thượng Huệ Tịnh một vị rất tinh thông Nho học, khai sơn chùa Long Phước [i] tại xã nhà và trú trì ở đó. Từ nhỏ, Ngài được xuất gia theo hầu ông nội. Vốn tư chất thông minh, Ngài học chữ Nho rất mau chóng và lúc 12 tuổi đã có thể “trùng tuyên” Sa Di Luật Giải một cách thông thạo. Năm 16 tuổi, Ngài đọc làu thông văn quan thoại. Ngài lại còn tự học và xem được cả sách báo viết bằng tiếng Pháp.

Ngoài việc nghiên cứu học tập nội điển, Ngài còn tiếp xúc với các trào lưu văn hóa Đông Tây. Đặc biệt các loại tân thư của Trung Hoa và Nhật Bản đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng Ngài, một điển hình cho lớp Tăng sĩ trẻ cấp tiến, muốn chấn hưng Phật Giáo theo chiều hướng tích cực, hoàn toàn đổi mới.

Năm 1926, Ngài lên Sài Gòn để tìm học thêm. Phật tử cung thỉnh Ngài về trú trì chùa Linh Sơn ở gần chợ Cầu Muối. Bấy giờ Hòa thượng Khánh Hòa, người khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáoNam bộ, muốn sớm thành lập một Hội Phật Giáo Việt Nam chung cho toàn quốc. Nhận thấy Ngài là một Tăng sĩ trẻ đầy nhiệt huyết và có trình độ tân học, năm 1927, Hòa thượng Khánh Hòa cử ngài ra Bắc liên lạc, tiếp xúc với chư Tăng tại các Tổ đình Linh Quang, Hồng Phúc, Tiên Lữ v.v… Nhưng do nhiều trở ngại, cuộc vận động không thành.

Trở về Sài Gòn năm 1928, Ngài đã cộng tác với các Hòa Thượng Khánh Hòa, Từ Nhẫn, Chơn Huệ và Thiện Niệm thành lập Thích học đường và Phật học Thư xã tại chùa Linh Sơn. Năm 1929 Ngài hợp lực với Hòa thượng Khánh Hòa vận động Phật tử hữu tâm ở Trà Vinh gởi mua cho thư xã một bộ Tục Tạng kinh gồm 750 tập để tôn trí tại chùa Linh Sơn. Tại đây với tư cách là trú trì, Ngài mở khóa thuyết giảng giáo lý, kinh điển, truyền đạt tư tưởng đổi mới Phật giáo, phát huy tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc. Ngài mở trường dạy chữ Quốc ngữ, lập nhà in, viết sách báo. Ngày chủ nhật hàng tuần, Ngài hướng dẫn Phật tử nghi thức thực hành thờ cúng Phật đơn giản, nhưng vẫn tròn đầy niềm tin nơi chánh pháp.

Tư tưởng mới của Ngài, gắn liền đạo pháp với dân tộc đã không tránh khỏi sự theo dõi của mật thám Pháp. Chính quyền thực dân đã trục xuất Ngài, không cho trú trì chùa Linh Sơn nữa. Nhân duyên mới lại đến, Ngài có người bạn là cư sĩ Thuần ViênHạnh Thông Tây – Gò Vấp lập một tịnh thất rộng rãi, mời Ngài về đây dạy Phật pháp và hướng dẫn phương pháp tu hành.

Thời gian này Hòa thượng Khánh Hòa có cho xuất bản tập san Phật học bằng Quốc ngữ lấy tên là Pháp Âm, số đầu ra ngày 13-08-1929. Nhận thấy nội dung tờ Pháp Âm chưa có gì tiến bộ, Ngài vận động để xuất bản tập san khác lấy tên là Phật Hóa Tân Thanh Niên, tòa soạn đặt tại chùa Chúc Thọ ở xóm Thuốc, quận Gò Vấp [ii], nội dung tập san này hướng về tầng lớp cư sĩ trí thức và Tăng sĩ trẻ. Theo Ngài, Tăng Ni cần phải có trình độ Phật học (nội điển), xã hội học (ngoại điển) và thông suốt được Ngũ Minh. Có đủ kiến thứcbản như vậy mới đảm bảo được sứ mệnh hoằng pháp, mới hướng dẫn và lãnh đạo được quần chúng Phật tử.

Giới Phật tử cư sĩ và quần chúng khắp vùng Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn đồng quy tụ về nghe pháp. Ngài mở khóa tranh biện về Phật học, viết sách, báo. Ngài thường tranh luận với các nhà Tây học trên báo chí, chẳng hạn như tờ Tân Phong.

Tại Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, Ngài thường sinh hoạt chính trị với các nhà cách mạng, như ông Lê Văn Trâm tự Bảy Chấm, các nhà tu yêu nước như Hòa thượng Đạo Thanh [iii]

Uy tín của Ngài ngày càng lan rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, từ bình dân đến trí thức. Các nhà lãnh đạo cách mạng ở địa phương đều quý kính. Chính trong thời gian này Ngài được kết nạp vào tổ chức cách mạng (1930). Địa bàn hoạt động của Ngài là Gò Vấp, Phú Nhuận, Hóc Môn, Bà Điểm, An Phú Đông v.v… Do đó Ngài lại bị chính quyền tỉnh Gia Định ra lệnh trục xuất khỏi địa phương này.

Ngài phải di tản về chùa Hưng Long ở ngã sáu Chợ Lớn. Tiếp tục sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, Ngài vẫn thuyết pháp, giảng kinh, viết sách báo. Tại đây Ngài đã cho xuất bản hai quyển “Phật học tổng yếu” và “Phật học vấn đáp”.

Sau bao ngày tháng vất vả, Ngài bị thọ bệnh, nằm liệt giường ba năm. Tuy nhiên tinh thần vẫn sáng suốt, Ngài vẫn tiếp tục viết sách, Ngài hoàn thành thêm một tác phẩm nữa là quyển “Tại sao tôi cám ơn đạo Phật” và được nhà xuất bản Nam Cường ấn hành năm 1933. Các sách của Ngài rất được giới thanh niên, trí thức ưa thích, vì có những tư tưởng mới, hợp thời.

Nhận thấy các hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, hội Lưỡng Xuyên Phật Học các báo Pháp Âm, Từ Bi Âm, đều không đáp ứng chủ trương và tư tưởng của mình, Ngài ra đi tìm hướng khác. Nhưng đi tới đâu, Ngài cũng gặp những va chạm. Trở về uất chí lại bị mật thám Pháp theo dõi nên Ngài rời chùa Hưng Long trở về đời sống thường và hoạt động cho Cách mạng ở vùng Gò Vấp, Phú Nhuận. Đó là thời gian 1934-1935.

Năm 1936, trở lại nếp sống tu hành Ngài xuống Rạch Giá gặp Hòa thượng Trí Thiền, trú trì chùa Tam Bảo [iv]. Ngài và Hòa thượng Trí Thiền đồng chí hướng khi cùng sinh hoạt trong hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học ở chùa Linh Sơn, nên chuyến đi này là để bàn việc thành lập một tổ chức Phật Giáo thật sự tiến bộ. Kết quả hội Phật Học Kiêm Tế ra đời ở Rạch Giá ngày 23-3-1937. Chùa Tam Bảo ở làng Vĩnh Thanh Vân được chọn làm trụ sở, Hòa thượng Trí Thiền làm Chánh tổng lý, riêng Ngài không giữ một chức vụ gì, chỉ làm việc phía sau, nhằm tránh sự để ý của nhà cầm quyền thực dân. Đầu năm 1938 Hội xuất bản tạp chí Tiến Hóa. Ngài là cây bút đắc lực cho tờ báo. Những bài của Ngài viết đều được bút hiệu Xích Liên.

Hội Phật Học Kiêm Tế chủ trương hành động phù hợp với trào lưu chính trị và Cách mạng đang sôi động khắp nơi vào thời điểm đó. Cho nên sau khi Hòa thượng Trí Thiền tiếp xúc với các đồng chí của ông Võ Hoành, một chiến sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục đang bị an trí tại Sa Đéc, thì chùa Tam Bảo thực sự trở thành một căn cứ Cách mạng. Năm 1939, tại đây đã bí mật tổ chức sản xuất vũ khí để đánh Pháp. Việc bị bại lộ, thiền sư Trí Thiền và nhiều vị bị bắt và bị đày ra Côn Đảo. Còn Ngài chạy thoát về Sài Gòn, ẩn trốn tại vùng Bà Điểm – Hóc Môn.

Năm 1940, Ngài tham gia vào phong trào Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại Hóc Môn. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Ngài lại phải trốn tránh. Nhưng đến năm 1942, Ngài bị thực dân Pháp bắt đày Côn Đảo. Ngài bị tra tấn đến bại xuội. Cách mạng tháng 8-1945 thành công, Ngài được đón về đất liền. Trở về Gò Công, Ngài giữ chức Phó chủ tịch Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến tỉnh Gò Công. Năm 1947, Ngài vào chiến khu tham gia kháng chiến ở Quân khu 7. Năm 1948, Ngài về Quân khu 8 ở Đồng Tháp Mười và năm 1949, về Quân khu 9 làm việc ở Ban Tuyên Huấn Trung Ương Cục Miền Nam.

Sau hiệp định Genève năm 1954, Ngài tập kết ra Bắc. Năm 1956, Ngài được Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cử làm chuyên gia qua Trung Quốc, phụ trách Trưởng Tiểu ban Phiên dịch của Nhà xuất bản Ngoại văn ở Bắc Kinh.

Năm 1961, Ngài trở về nước, làm chuyên viên khoa triết học của Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam ở Hà Nội. Năm 1965, Ngài về hưu. Năm 1970, Ngài thọ bệnh. Đến ngày 06/7/1974, Ngài viên tịch tại Hà Nội, thọ 76 tuổi đời, và được an táng tại nghĩa trang Văn Điển. Năm 1993, chư Tăng và Phật tử chùa Pháp Hoa ở Phú Nhuận đã cử đoàn đại biểu ra Hà Nội bốc mộ Ngài, hỏa thiêu di cốt và đưa tro về tôn trí tại chùa nhân ngày giỗ thứ 19 của Ngài.

Sự nghiệp trước tác của Ngài còn để lại như sau:

Phật Hóa Tân Thanh Niên.

Phật Giáo Tổng Yếu.

Phật học Vấn đáp.

– Tranh Biện.

Phật giáo và Vô thần luận.

Tôn Giáo.

– Chân lý của Đại thừaTiểu thừa.

– Tại sao tôi cám ơn đạo Phật.

– Triết lý Đạo Phật (dịch kinh Lăng  Nghiêm).

– Cái thang Phật học.

Phật phápPhật Pháp.

Kinh Pháp Cú.

Nhìn lại quá trình hoạt động của Ngài, chúng ta thấy rằng dù gặp muôn ngàn khó khăn, nhưng Ngài vẫn mạnh dạn tiến bước đấu tranh, vì độc lập tổ quốc và hạnh phúc nhân sinh. Ngài sáng tác nhiều tác phẩm Phật giáo, vì muốn tư tưởng trong sáng của chánh pháp hằng còn ở thế gian để lợi lạc cho các thế hệ mai sau trên tiến trình giác ngộ giải thoát.

[i] (1)Tổ Tế: Tế Xuyên; Tổ Trung: Trung Hậu; Tổ Hương: Hương Tích; Tổ Cồn: Quần Phương; Tổ Quảng: Quảng Bá ; Tổ Ngũ: Ngũ Xá.

[ii] Chùa này đã bị Pháp đuổi lấy đất xây phi trường Tân Sơn Nhất.

[iii] Ông Bảy Chấm nay là liệt sĩ. Hòa Thượng Đạo Thanh là vị Khai Sơn trú trì chùa Pháp Hoa ở Phú Nhuận.

[iv] Có tài liệu ghi là chùa Kim Sơn, tên cũ của chùa Sắc Tứ Tam Bảo.