Hòa thượng Thích Thiện Tòng, thế danh Nguyễn Văn Thung, sinh năm Tân Mão (1891) tại thôn Tân Long (nay là xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Song thân là cụ Nguyễn Văn Nhựt và bà Võ Thị Ngọt. Gia đình có tám anh em, Ngài là người con thứ ba. Ngoài ra người em thứ năm của Ngài cũng xuất gia hiệu là Sư Phổ Phú.
Gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, thân phụ làm nghề Đông y, tinh thông Nho học, nên từ nhỏ Ngài đã sớm làm quen với chữ Hán. Năm 12 tuổi Ngài đã làu thông Tứ Thư, Ngũ Kinh.
Cùng thời gian đó, được song thân dẫn đến chùa Khánh Quới xin cho Ngài quy y xuất gia với Hòa thượng Phước Chí (húy là Tâm Ba), Bổn sư đặt cho pháp danh là Thiện Tòng. Vốn sẵn giỏi chữ Nho và bản tính thông minh, chẳng bao lâu Ngài đã nắm vững những quy tắc thiền môn và kiến thức Phật học cơ bản.
Vào năm Ất Tỵ (1905) Hòa thượng Phước Chí viên tịch, lúc bấy giờ Ngài còn là một Sa di. Sau thời gian chấp tác và thọ tang Bổn sư, Ngài xin phép sư huynh ra đi tham phương học đạo. Ngài tìm đến cầu học với Hòa thượng Thiền chủ Phước Minh ở Vũng Liêm. Được ít lâu, Ngài lại qua Bằng Lắng (cũng ở địa phận Vĩnh Long) cầu học với Đại đức Bửu Quang ở chùa Phước Sơn.
Năm Kỷ Dậu (1909), được 20 tuổi, Ngài cùng sư đệ là Quảng Ân đến an cư tại chùa Sùng Đức (Chợ Lớn), và thọ đại giới tại trường Hương này.
Năm Tân Hợi (1911), lúc 22 tuổi, Ngài đến an cư tại Tổ đình Đại Giác (Biên Hòa). Năm 23 tuổi, an cư tại chùa Long Phước (Vĩnh Long), nơi này Ngài được cử làm Phó chúng thiền đường.
Lúc bấy giờ ở Chợ Lớn có các vị cao Tăng như Hòa thượng Chơn Hương (chùa Linh Nguyên), Hòa thượng Thanh Ẩn (chùa Sắc Tứ Từ Ân), Hòa thượng Hoan Hỷ (chùa Long Thạnh), Hòa thượng Từ Phong (chùa Giác Hải)… khai đàn thuyết giáo. Đặc biệt, với ý chí và tinh thần cầu học, Ngài đã cùng một lúc xin tham dự nhiều nơi cho nên mỗi ngày Ngài phải lặn lội mười lăm, hai mươi cây số nắng mưa mà vẫn không sờn lòng, thoái chí.
Mùa hè năm Quý Sửu (1913), Ngài an cư tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo (Rạch Giá). Trường Hạ này có Hòa thượng Từ Văn (chùa Hội Khánh, Thủ Dầu Một thường gọi Hòa thượng Cả) làm Pháp sư. Ngài được cử làm Phó Na thiền đường. Ngài đã thể hiện tính trách nhiệm và lòng cầu pháp cao độ, nên Hòa thượng Từ Văn sau khi mãn hạ đã bảo Ngài về chùa mình để Hòa thượng dạy thêm kinh luật. Nhân đó, Ngài học thêm nghề thuốc với lương y Mai Hữu Thân với dụng ý mai sau cứu người. Hòa thượng Từ Văn tin tưởng và chọn Ngài làm thị giả. Trong những lúc lui tới các già lam khắp nơi, và trong mọi vấn đề kiến giải hai thầy trò rất tâm đắc, nên Hòa Thượng Từ Văn càng tin yêu hơn.
Trên bước đường tu học, Ngài còn gặp được Hòa thượng Chí Thiền (chùa Phi Lai – Châu Đốc). Ngài đã đảnh lễ và cầu pháp, được Hòa thượng phú chúc pháp hiệu Phổ Quảng, pháp danh Hồng Tòng, nối đời thứ 40 dòng Lâm Tế.
Mùa hè năm Bính Dần (1926) trường Hương được mở tại chùa Hội Phước (ấp Rạch Miễu, xã Tân Thạnh, tỉnh Mỹ Tho) nay thuộc tỉnh Bến Tre. Hòa thượng Từ Văn được cung thỉnh làm Pháp sư, sau đó Hòa thượng tin tưởng cử Ngài thay mặt cho Hòa thượng, lúc này Ngài mới 36 tuổi. Mãn hạ, Ngài trở về thăm Tổ đình Khánh Quới. Sư huynh đang trụ trì Tổ đình đề nghị Ngài làm trụ trì chùa Long Phước ở xã Phú Luông (nay là xã Long Khánh – huyện Cai Lậy), nhưng vì khát vọng tham cầu học pháp các nơi, nên Ngài mạnh dạn đề nghị cho em ruột của mình là Sư Phổ Phú cùng theo về chùa Long Phước để hỗ trợ nhau.
Tháng 7 năm ấy, Ngài giao chùa Long Phước lại cho Sư Phổ Phú để lên Sài Gòn, theo lệnh của Hòa thượng Từ Văn, đến trụ trì chùa Trường Thạnh(1) gần Chợ Mới.
Ngài nhận thấy ngôi chùa này tuy không là danh lam, cổ tự và không đồ sộ nguy nga, nhưng địa thế nằm ngay giữa trung tâm Sài gòn, thuận lợi cho việc hoằng hóa theo hướng mới của Ngài. Từ quan niệm đó Ngài dốc lòng biến chùa Trường Thạnh trở thành một nơi mà nhiều người học Phật hằng biết đến.
Hè năm Đinh Mẹo (1927), chùa Sắc Tứ Long Hoa ở Gò Vấp tổ chức kiết hạ an cư. Hòa thượng Chủ hương ở đây chuyên trì kinh Pháp Hoa. Nghe Ngài thường giảng kinh Pháp Hoa ở trường Hương chùa Hội Phước, nên Hòa Thượng đã tìm đến tận chùa Trường Thạnh, nơi Ngài đang trụ trì mời Ngài làm Pháp sư.
Năm Kỷ Tỵ (1929), Ngài về chùa Long Phước (Cai Lậy) lập chúc thọ Giới Đàn để báo đáp công ơn chư Phật. Ngài thay mặt giới tử địa phương, cung thỉnh Hòa thượng Từ Văn đến Chứng minh, Hòa thượng chùa Sắc Tứ Long Hoa làm Hòa thượng Đường đầu, sư đệ là Quảng Ân (chùa Linh Phước) làm Giáo thọ.
Lúc này phong trào chấn hưng Phật giáo bộc phát mạnh mẽ khắp ba kỳ. Lúc Ngài giảng kinh ở trường Hương Gò Vấp, Sư Thiện Chiếu có đến gặp Ngài, và Ngài hứa sẽ tiếp tay trợ lực với chư vị để cổ xúy cho phong trào. Sau đó, Ngài khuyến khích nhiều Phật tử tham gia hội Nam Kỳ Phật Học, vận động nhiều người mua tìm đọc tạp chí Từ Bi Âm. Chùa Trường Thạnh lúc ấy còn nghèo, nhỏ hẹp nhưng lúc nào cũng đón tiếp những tâm hồn đầy nhiệt huyết đến bàn việc trùng hưng Phật Pháp. Sư Phổ Phú cũng đồng tình với anh mình nên thường mở những lớp học Phật tại chùa Long Phước, và mời được sư Thiện Chiếu đôi lần đến tận Long Phước để thuyết giảng giáo lý và các bài học yêu nước.
Phong trào chấn hưng Phật giáo phát triển được vài năm thì bị tác động từ nhiều phía, đành tạm thời lắng dịu, Ngài Khánh Hòa chuyển sang thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học, Sư Thiện Chiếu về chùa Hưng Long (Ngã bảy Sài gòn) viết sách. Còn Ngài thì trụ lại tại chùa Trường Thạnh mở các lớp giáo lý. Để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp, nếu có ai hỏi về phong trào chấn hưng Phật Giáo thì Ngài khéo léo trả lời: “Hiện giờ trong giới Tăng Già có người nhiều tài đức hơn tôi. Tôi phần vì sức yếu tuổi già lại tài hèn đức mọn nên phải lựa đường mà đi. Nếu mình không đủ sức quét nhà thì đừng xả rác”.
Tháng 10 năm Canh Thìn (1940), Ngài đứng ra trùng tu chùa Trường Thạnh, sau một biến cố nhiều rắc rối đến tận tai Thống Đốc Nam Kỳ(2). Nhưng cũng nhờ sự kiện đó, sau lần trùng tu này, chùa Trường Thạnh càng ngày càng đông đảo Tăng Ni, Phật tử đến lễ bái và học Phật, và là một trong những cơ sở quan trọng của phong trào Việt Minh ở nội thành Sài gòn.
Sau Cách Mạng Tháng Tám, Ngài chính thức làm cơ sở nội thành cho kháng chiến. Khoảng năm 1949-1950, phong trào Phật Giáo ở nội thành hoạt động mạnh. Do đó theo yêu cầu kháng chiến, Hòa thượng Giác Ngộ (ở ngã sáu) cùng nhiều vị khác tiến hành đại hội thành lập Giáo Hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử vào ngày rằm tháng hai năm Nhâm Thìn (1952). Ngài được cử làm Đại Tăng Trưởng (tương tự chức Tăng Thống) và chủ trương của Giáo Hội này là tu theo cung cách cổ truyền.
Tháng 10 năm Kỷ Hợi (1959) Ngài lại khởi công nâng cấp chùa Trường Thạnh. Lúc này Ngài đã 70 tuổi. Trong giai đoạn này, nhiều Tăng sĩ trong chùa đã thoát ly theo kháng chiến và nhiều vị đã hy sinh.
Biết cơ duyên hoằng hóa đã đến hồi viên mãn, Ngài để lại lời phú chúc hậu sự. Khuya ngày 3 tháng 3 năm Giáp Thìn (24-4-1964) Ngài nhẹ nhàng viên tịch. Thọ 74 tuổi đời, 50 tuổi đạo (hưởng được 10 hạ lạp). Tháp Ngài được tôn trí trong khuôn viên chùa Giác Lâm.
Chú thích :
1) Nguyên ngôi chùa này của vợ chồng ông Hội Đồng Lương Khắc Minh, chuyển từ miễu thờ Quan Công thành nơi thờ Phật. Bà Nguyễn Thị Lê là đệ tử của Hòa thượng Từ Văn, được cử nhiệm vụ trông nom. Sau vì tuổi già sức yếu đã hướng dẫn Bà Hội Đồng Minh lên chùa Hội Khánh quy y và đề nghị bà Hội Đồng hỷ cúng chùa cho Hòa thượng Từ Văn.
2) Nguyên ông Hội Đồng Minh làm ăn thua lỗ, bị Chà Chetty kiện phát mãi tài sản. Năm 1937, trong số tài sản bị phát mãi của ông có chùa Trường Thạnh. May nhờ ông Phạm Văn Còn là người ở gần chùa, làm ở dinh Thống Đốc Nam Kỳ, vốn là bạn văn chương, nhiệt tình giúp đỡ. Ông Hội Đồng còn nhờ nhà báo Bùi Thế Mỹ viết bài nêu lên sự kiện và đăng trên một tờ báo Pháp, trình lên cho Quan Thống Đốc Pa-Rết xem. Để tăng thêm sức mạnh, ông nhờ đến các người Việt được chính quyền thực dân tin tưởng như ông Hội Đồng Khá, ông Huyện Của… nói thêm vào. Kết quả là Thống Đốc Nam Kỳ cho thành lập ban Quản Tự chùa Trường Thạnh và cho phép Ban Quản Tự lạc quyên, được trên 7000 đồng Đông Dương, để chuộc lại ngôi chùa này.