Lời nói đầu
Dịch phẩm mà đọc giả đang cầm trên tay có nguồn gốc từ tiếng Hoa với tựa đề: 原始佛教聖典之集成, chúng tôi dịch là: “Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy” do Hòa thượng Thích Ấn Thuận (1906 – 2005) viết, được nhà xuất bản Chánh Văn xuất bản lần đầu vào năm 1971, lần hai năm 1991 (có chỉnh sửa). Chúng tôi dịch bản năm 1991, tổng cộng có 12 chương, gồm 879 trang. Đây là một trong những công trình nghiên cứu mang tính chuyên sâu của Hòa thượng.
Có lẽ giới nghiên cứu Phật học không ai lại không biết những công trình nghiên cứu của Hòa thượng Ấn Thuận. Ở đây, chúng ta có thể nói như thế này để hình dung sự đóng góp của Ngài cho sự phát triển Phật giáo Trung Quốc nói riêng, cho giới Phật giáo nói chung. Nếu như Huyền Trang là người có công chuyển dịch các tác phẩm A-tỳ-đàm của phái Thuyết nhất thiết hữu bộ (S: Sarvāsti-vādin, P: Sabbattivāda) từ Phạn sang Hán, thì Ấn Thuận là vị có công hệ thống hóa tư tưởng các bộ phái, thuyết minh quá trình hình thành và sự diễn biến các Thánh điển Phật giáo, từ Nguyên thủy cho đến Đại thừa. Có lẽ đó chính là lý do tại sao Trường Đại học Đại Chánh (Taisho University) Nhật Bản vào năm 1973 đã trao cho Ngài bằng tiến sĩ vinh dự. Những công trình nghiên cứu của Ngài dù lớn hay nhỏ, dù tự viết hay Ngài nói chuyện đệ tử ghi lại đều có giá trị học thuật, mở ra phương hướng nghiên cứu mới về Phật học mang tính hệ thống. Có thể xem những tác phẩm nghiên cứu của Hòa thượng là sách giáo khoa ngành Phật học cho các trường Phật học Việt Nam.
“Lịch sử biên tập Thánh điển Phật giáo Nguyên thủy” là tác phẩm với nội dung tổng hợp phân tích quá trình biên tập kinh, luật của thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, trải qua các giai đoạn từ khẩu truyền cho đến chữ viết, từ hình thức Mātṛkā (bổn mẫu), 9 phần giáo… cho đến “Tương ưng”, “Trung”, “Trường”, “Tăng nhất”… Từ đó cho chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về thực trạng biên tập Thánh điển Phật giáo, không còn mơ hồ cố chấp cho rằng, chỉ có Thánh điển Pāli là Nguyên thủy, là lời Phật nói, các Thánh điển khác là ‘phi Phật thuyết’, nhất là kinh sách Đại thừa. Nói một cách cụ thể hơn, hiện còn các loại Thánh điển khác nhau, là Thánh điển mang tính Bộ phái, được kết tập rất trễ về sau, không phải ở lần kết tập thứ nhất ngay sau khi Phật nhập diệt như chúng ta lầm tưởng. Sự đánh giá càng đúng với thật tế bao nhiêu, kết quả nghiên cứu càng tránh sự ngộ nhận bấy nhiêu, đó là nền tảng để cho chúng ta loại bỏ những quan điểm hẹp hòi mang tính phiến diện, cố chấp, từ đó mới có thể ngang qua các Thánh điển khác nhau của các bộ phái để tìm ra tính cốt lõi trong Phật pháp.
Việc chuyển ngữ tác phẩm này sang Việt ngữ nhằm mục đích góp phần vào sự nghiệp nghiên cứu Phật học, làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy, đào tạo thế hệ Tăng, Ni trẻ có kiến thức Phật học, làm nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam trong tương lai. Đây chính là lý do khiến chúng tôi cùng Trung tâm Nghiên cứu Phật học Hán truyền cộng tác dịch tác phẩm này.
Việc chuyển dịch tác phẩm mang tính nghiên cứu học thuật tương đối khó, vì trong ấy Hòa thượng tổng hợp phân tích tư tưởng, cách dùng từ của các bộ phái qua từng thời kỳ lịch sử khác nhau, trích dẫn nhiều nguồn tư liệu khác nhau cả Nam lẫn Bắc truyền, sử dụng kim văn để trình bày tư tưởng, nhưng lại trích dẫn các nguồn tư liệu cổ văn để làm sáng tỏ vấn đề, so sánh đối chiếu các thuật ngữ giữa Phạn, Pāli và Hán…, do đó, việc chuyển dịch gặp không ít trở ngại. Vì là tác phẩm học thuật, cho nên chúng tôi cố gắng trung thành với nguyên bản, gìn giữ tư tưởng và văn phong cũng như cách lập luận của tác giả. Ngoài ra chúng tôi còn tiến hành kiểm tra lại các đoạn trích dẫn trong nguyên bản với Đại tạng xem có gì chênh lệch. Qua đó, phát hiện có một số chú thích không phù hợp với “Đại Chánh Tạng”, nên chúng tôi phải thêm lời đính chính của người dịch ngay bên sau chú thích ấy. Ví dụ như ở chương 6 trang 434, tác giả chú thích: “Căn Bản Tát-bà-đa Bộ Luật Nhiếp” (根本薩婆多部律攝) (ĐCT 24, tr. 1a); tuy nhiên, dịch giả tra cứu đoạn trích này không phải trang 1a mà là: CBETA, T24, no. 1458, p. 525, a10-15. Hoặc ở chương 5, chú thích số 20, tác giả chú thích: “Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ-nại-da Bách Nhất Yết-Ma” (根本說一切有部毘奈耶百一羯磨, ĐCT 24, tr. 455c-459b); tuy nhiên, dịch giả tra cứu trong “Đại Chánh Tạng” không có tên tác phẩm này, nội dung được đề cập lại xuất hiện trong “Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Bách Nhất Yết-ma” (根本說一切有部百一羯 磨): CBETA, T24, no. 1453, p. 455, c10 – p. 459, c5.
Ngoài ra, Hòa thượng thường sử dụng dấu ngoặc đơn () chú thích ngay trong phần chánh văn, vì phần giải thích dài, nên dịch giả đưa xuống phần footnotes phía dưới mỗi trang. Cách làm này phát sinh vấn đề, số thứ tự của nguyên bản chú thích có sự biến động, cho nên bản dịch sử dụng dấu hiệu [ ] để chỉ cho chú thích nguyên bản, còn những chú thích mới thêm vào thì không có. Đồng thời, có một số từ ngữ khó hiểu, cần phải giải thích, nên dịch giả phải thêm phần chú thích, dĩ nhiên đều có ghi rõ dịch giả chú. Một điểm nữa trong nguyên bản Hòa thượng đưa phần chú thích ở cuối mỗi chương, dịch giả thay đổi chú thích ngay dưới mỗi trang.
Cuối cùng, chúng tôi xin chân thành tri ân quí thầy cô cộng tác phiên dịch. Đồng thời, chúng tôi cũng tri ân Trung tâm Nghiên cứu Phật học Hán truyền đọc lại, biên tập và xuất bản tác phẩm này. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng làm hết khả năng của mình, nhưng có lẽ không sao tránh khỏi sự hạn chế. Rất mong được sự góp ý tận tình của các vị thiện tri thức gần xa. Chân thành tri ân.
Vạn Hạnh, ngày 01/01/2015