Hòa thượng Thích Phúc Hộ, thế danh là Huỳnh Văn Nghĩa, sinh ngày 24 tháng 7 năm Giáp Thìn (1904) đời vua Thành Thái năm thứ 16 tại làng Triều Sơn, xã Xuân Thọ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Song thân của Ngài là cụ ông Huỳnh Trung và cụ bà Trần Thị Nho.
Năm Mậu Tý (1912), Ngài được song thân cho lên chùa Từ Giác trong địa phương, học chữ Nho với Đại sư Thiện Hạnh. Lúc này Ngài mới lên 9 tuổi. Sau sáu năm miệt mài đèn sách với sự dạy dỗ ân cần của vị thầy đầu tiên kiêm thông y lý, Ngài dần dần quen thuộc, quyến luyến với cảnh chùa am, cộng với túc duyên nhiều đời thôi thúc, Ngài quyết chí xuất gia học đạo.
Năm Bính Tý (1917),Ngài vừa 14 tuổi được song thân ưng thuận và đưa tới chùa Sắc Tứ Phước Sơn (Đồng Tròn) thuộc xã Xuân Sơn cùng huyện, xuất gia với Hòa thượng trú trì hiệu Thiền Phương, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 41. Ngài được Hòa thượng ban cho pháp danh là Thị Chí, tự Hành Thiện. Tại đây, suốt năm năm, vừa tu học vừa chấp lao phục dịch, hầu cận bên thầy, Ngài đã làm tròn phận sự của một người sơ tâm hành đạo.
Năm Nhâm Tuất (1922), chùa Linh Sơn (Hòn Chồng) thuộc thôn Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, trong tỉnh mở Đại giới đàn, Ngài được Bổn sư cho đến đó thọ Cụ Túc giới. Đại giới đàn này do Hòa thượng Hoằng Hóa làm Đàn đầu. Bấy giờ Ngài mới 19 tuổi, là Thủ Sa Di, lại thiết tha cầu giới, và có oai nghi tế hạnh, nên được Hòa thượng Đàn đầu cảm mến, cho đặc cách tấn đàn thọ giới. Nhân đó Ngài cũng được Bổn sư ban cho pháp hiệu Thích Phúc Hộ.
Sau khi thọ lãnh giới pháp xong, Ngài trở về chùa cũ hầu hạ Bổn sư, tinh tấn tu học, ròng rã hơn mười năm. Năm Nhâm Thân (1932), Ngài được Bổn sư cho ra Huế tham học với Hòa thượng Giác Viên ở chùa Hồng Khê. Một năm sau (1933), được tin Bổn sư lâm trọng bệnh, Ngài vội vã quay về lo hầu hạ chăm sóc. Tháng 6 năm đó, Ngài được hội đồng chư sơn bản tỉnh Phú Yên cử làm trú trì chùa Sắc Tứ Từ Quang, thường gọi chùa Đá Trắng, thuộc thôn Cầu Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, trên đèo Vườn Xoài.
Ngôi chùa này là một Tổ đình danh thắng, do tổ Pháp Chuyên Thiền Sư, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 36 khai sáng vào năm Đinh Tỵ (1797), đời vua Nguyễn Quang Toản niên hiệu Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn. Tuy Ngài nhận làm trú trì, song Hòa thượng trưởng lão Pháp Ngữ đương vị trú trì hãy còn khỏe mạnh, nên Ngài chỉ phụ tá. Do đó Ngài có nhiều thời gian đi đây đi đó để hoằng dương chánh pháp. Mãi tới năm Ất Dậu (1945),Hòa thượng Pháp Ngữ viên tịch, Ngài mới chính thức trú trì chùa Từ Quang.
Mùa hạ năm Giáp Tuất (1934), lúc Ngài 30 tuổi, chư sơn tỉnh Khánh Hòa thỉnh Ngài vào giữ chức Giáo thọ giới đàn tại chùa Thiên Bảo, huyện Ninh Hòa. Với tinh thần cầu học lúc nào cũng tha thiết, mùa Đông năm ấy Ngài lại xin Bổn sư cho ra Bình Định tham học với Hòa thượng Phước Huệ tại chùa Sắc Tứ Thập Tháp Di Đà. Đến năm Đinh Sửu (1937), Ngài nhận lời mời của Hòa thượng Huệ Đạo ở Phan Rang, vào giảng dạy Phật pháp cho Tăng sinh tại Phật học đường gia giáo chùa Tây Thiên thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Năm Mậu Dần (1938), Ngài trở về Phú Yên, hợp tác với Chư sơn, mở Phật học đường tại chùa Bảo Lâm, thôn Liên Trì, nay thuộc xã Bình Kiến, thị xã Tuy Hòa. Ngài kiêm luôn chức Giáo thọ.
Năm Tân Tỵ (1941), Ngài nhận lời mời của Tổng Trị Sự Hội Việt Nam Phật Học Huế, ra làm giáo học lớp Sơ Đẳng Phật Học Đường chùa Báo Quốc do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm giám đốc. Năm 1942, Ngài trở về Phú Yên, giúp việc cho Hội Phật Học tỉnh nhà, thường xuyên giảng dạy giáo lý cho Tăng tín đồ Phật tử. Đặc biệt ở Phú Yên có lệ hàng năm, sau lễ Vu Lan rằm tháng bảy âm lịch, điệu chúng các chùa thường tập trung về một Tổ đình để tu học đôi ba tháng rồi trở về chùa mình. Những lớp ấy được Ngài làm giáo thọ giảng dạy. Qua đó Ngài phát hiện những nhân tố tích cực trong việc tu học, lẫn trí năng đạo hạnh của một số Tăng sĩ để giới thiệu ra tham học ở Huế. Các vị này sau trở thành trụ cột cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại các tỉnh miền Nam Trung Việt, như các Hòa thượng Hành Trụ, Trí Nghiêm, Phước Trí, Vĩnh Lưu, Trí Thành v.v…
Năm Ất Dậu (1945), khi Ngài trở lại trú trì chùa Từ Quang, Ban Trị Sự Hội Phật Học tỉnh Phú Yên cung thỉnh Ngài giữ chức Chánh Hội Trưởng Hội Phật Học tỉnh.
Năm Đinh Hợi (1947), nhờ uy tín sẵn có, Ngài đã kêu gọi hàng Phật tử hằng sản hằng tâm tại địa phương, kẻ công người của, trùng tu lại chùa Từ Quang được khang trang.
Từ năm Kỷ Sửu (1949) đến năm Giáp Ngọ (1954), liên tiếp năm năm liền, Ngài vẫn giữ chức Chánh Hội Trưởng Hội Phật Học tỉnh Phú Yên, lèo lái con thuyền chánh pháp vượt qua bao khó khăn của thời cuộc, giữ vững niềm tin cho Tăng tín đồ Phật tử. Trong thời gian này, vào năm Nhâm Thìn (1952) chư sơn tỉnh Bình Định mở Đại giới đàn tại chùa Thiên Bình, cung thỉnh Ngài làm Yết Ma A Xà Lê của giới đàn này.
Từ năm Kỷ Hợi (1959) đến năm Quý Mẹo (1963), mặc dầu chính quyền độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm ra sức đàn áp, phong trào Phật giáo ở Phú Yên vẫn không ngừng được củng cố và phát triển. Hai tổ chức Giáo Hội Tăng Già và Hội Phật Học Phú Yên qui tụ Tăng Ni và Phật tử về một mối, đồng cung thỉnh Ngài giữ chức Hội Trưởng cùng một lúc để lèo lái con thuyền chánh pháp qua cơn sóng gió. Thời gian này, Ngài kêu gọi toàn thể tín đồ trong tỉnh phát tâm đóng góp xây dựng ngôi trường Bồ Đề – Tuy Hòa, từ bậc Tiểu học đến Trung học để giáo dục con em Phật tử và đồng bào không đủ điều kiện vào học trường công. Đồng thời một Cô nhi viện Phật giáo cũng được xây dựng tại thị xã để nuôi dưỡng trẻ mồ côi, giao cho chư Ni phụ trách.
Trong pháp nạn năm 1963, Ngài là cây đại thụ chống đỡ ngôi nhà Phật giáo trước phong ba bão táp, và che chở cho hàng Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh giữ vững niềm tin. Nhờ uy tín của Ngài mà các chùa chỉ bị bao vây phía ngoài, chứ bạo quyền không dám xâm phạm vào trong. Việc thờ cúng và kinh kệ vẫn được duy trì như thường lệ.
Năm Giáp Thìn (1964), tại Đại hội Đại biểu Phật giáo các tỉnh toàn miền Nam họp nơi chùa Xá Lợi (Sài Gòn), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập với hai viện Tăng Thống và Hóa Đạo ở Trung Ương, và các Ban đại diện, các tỉnh. Một lần nữa, Tăng tín đồ Phật giáo tỉnh Phú Yên lại cung thỉnh Ngài nắm giữ chức vụ Chánh đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Phú Yên liên tiếp trong ba nhiệm kỳ từ năm 1964 đến năm 1970. Trong thời gian này, Ngài cùng Tăng tín đồ trong tỉnh trùng tu lại ngôi tổ đình Bửu Tịnh, nơi đặt trụ sở của Tỉnh Giáo Hội, và là một di tích lịch sử do Tổ Liễu Quán khai sáng, tạo nơi đây trở thành một cảnh già lam thanh tú ở trung tâm thị xã Tuy Hòa.
Tháng 6 năm Mậu Thân (1968), Đại giới đàn Phước Huệ được tổ chức tại Phật Học Viện Nha Trang do Hòa thượng Trí Thủ làm đàn chủ. Ngài được Hòa thượng Tăng Thống Thích Tịnh Khiết mời thay Hòa thượng làm Đàn đầu truyền giới pháp cho các giới tử. Đến tháng 9 cùng năm, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Định lại mời Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng tại Đại giới đàn tổ chức tại chùa Long Khánh ở Qui Nhơn.
Năm Tân Hợi (1971), Ngài được cung thỉnh vào Hội Đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Việt Nam Thống Nhất kiêm luôn chức Giám luật viện này. Những năm kế tiếp, Ngài còn được Hòa thượng Thích Trí Thủ cùng Ban Giám đốc Phật Học Viện Trung Phần tại Nha Trang cung thỉnh làm y chỉ sư trong các mùa an cư của chư Tăng. Tháng 9 năm Quý Sửu (1973) Hòa thượng đàn chủ Thích Trí Thủ lại cung thỉnh Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn Phước Huệ tại Phật học viện Nha Trang.
Ngày 07-11-1981, Đại hội đại biểu toàn quốc Phật Giáo lần đầu tiên sau ngày đất nước được thống nhất họp tại chùa Quán Sứ- Hà Nội, đã cung thỉnh Ngài là một thành viên trong Hội đồng Chứng minh Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Tháng 8 năm 1982, Đại hội đại biểu Phật Giáo tỉnh Phú Khánh (lúc đó hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa còn hợp nhất) cũng cung thỉnh Ngài làm Chứng Minh Sư cho tỉnh hội.
Vào những năm tháng cuối đời, như biết trước việc ra đi theo luật vô thường, Ngài đã thuận lời thỉnh cầu của Tăng tín đồ về an trú tại chùa Bửu Tịnh để tiện việc tiếp xúc tông môn. Và đây cũng là nơi dừng chân cuối cùng trong cuộc đời hoằng hóa độ sinh của Ngài. Ngày 11 tháng giêng năm Ất Sửu (31-01-1985) vào lúc 7 giờ sáng, Ngài đã xả bỏ xác phàm về nơi an lạc, hưởng thọ 82 tuổi đời, 63 tuổi đạo.
Hòa thượng Thích Phúc Hộ là tấm gương tiêu biểu cho giới đức đạo hạnh để hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia học tập. Lúc nào Ngài cũng ân cần sách tấn Tăng Ni và Phật tử tu học. Bất luận sang hèn, giàu nghèo, mỗi khi có dịp tiếp xúc thăm viếng, Ngài luôn khuyến hóa tinh thần tu niệm cầu giải thoát, giác ngộ. Với người xuất gia Ngài thường dạy: “Làm sao cho đạo pháp trường tồn, ngày một rạng rỡ. Các thầy là Tăng Bảo, là ruộng phước của tín đồ”. Với hàng Phật tử tại gia, Ngài dạy: “Phải tùy theo hoàn cảnh mà giữ gìn, công cứ pháp môn Tịnh Độ để cầu vãng sanh Cực lạc”…
Ngài luôn sống bình dị, lúc nào cũng nghiêm khắc với bản thân, khiêm tốn với mọi người. Ai đã gặp Ngài một lần cũng đều sinh lòng kính ngưỡng.