LỜI ĐẦU SÁCH
Giáo pháp của Đức Thích Tôn được truyền thừa qua các thời kỳ. Thời Nguyên thủy Phật giáo là thời đức Thích Tôn còn tại thế, cho đến khoảng 200 năm sau khi đức Phật nhập Niết-bàn. Kế tiếp là thời kỳ Bộ phái Phật giáo, phân kỳ này giáo nghĩa Phật dạy được chư Thánh đệ tử bàn thảo tận nguồn cao thâm.
Sau Phật Niết-bàn 800 năm khoảng thế kỷ thứ III, các Bộ phái Phật giáo phân lập đầy đủ và ý nghĩa Đại Thừa Phật giáo cũng được tuyên bày. Chư Tổ truyền thừa, chư Đại Bồ-tát xuất thế. Bấy giờ những bậc tư tưởng lớn ra đời như Mã Minh, Long Thọ, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân…lần lượt phát huy giáo nghĩa Tâm học Đại thừa.
Tổ Mã Minh tạo Luận Đại Thừa Khởi Tín, nhằm chỉ ra thể đại, tướng đại, dụng đại của tâm. Luận dẫn “Tất cả pháp chân như bình đẳng không thêm không bớt. Như Lai Tạng tánh đầy đủ vô lượng công đức, hay sinh nhân quả thiện của thế và xuất thế gian…Chư Phật xưa nương đây, chư Đại Bồ tát cũng nương pháp này mà đến được đất Như Lai”.
Hòa thượng Trúc Lâm đã nói đây là chỗ chí yếu. Tổ Mã Minh cốt chỉ cho chúng ta nhận ra tâm thể rộng lớn trùm khắp của mình, vững tin tu hành chắc chắn thành Phật. từ chỗ lập cước này, HT. Ân sư đã nhiều lần đem quyển Luận Đại Thừa Khởi Tín ra giảng dạy cho Tăng Ni tứ chúng trong các thiền viện. Lời giảng này được các học chúng và biên tập thành sách. Tất cả đều chung một tấm lòng mong muốn cống hiến cho các thiện hữu trí thức học Phật,từ lời giảng dạy rạch ròi này mà có chỗ vào.
Thay mặt toàn thể chư huynh đệ trong Ban Biên Tập, tôi kính cẩn ghi đôi dòng giới thiệu. Nguyện đem công đức này hồi hướng về Hòa thượng Ân Sư được an tường, sống lâu nơi đời, giáo hóa chúng sanh viên mãn. Đồng nguyện khắp pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.
Thường Chiếu, ngày 08 – 12 – 2011
BAN VĂN HÓA THƯỜNG CHIẾU
THÍCH NHẬT QUANG