Hòa Thượng Thích Khánh Thông (1870-1953)

Hòa thượng thế danhHoàng Hữu Đạo, pháp danh Như Tín, pháp hiệu Khánh Thông, sinh năm Canh Ngọ (1870) tại làng An Thủy, tổng Bảo Trị, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình thuộc hàng Nho gia khá giả. Thân phụ là ông Hoàng Hữu Nghĩa. Thân mẫu là bà Đặng Thị Sa. Lúc nhỏ Ngài được theo học chữ Nho với cụ Đồ Chiểu tại làng An Đức (Khi cụ từ Cần Giuộc – Long An lánh nạn về đây mở trường dạy học). Là học trò cụ Đồ Chiểu, nên Ngài có tài về dịch học và giỏi về Đông y.

Trước khi xuất gia, Ngài sinh hoạt theo đạo lý luân thường của Khổng Mạnh, chí hiếu với cha mẹ, hòa nhã thân thiết với hương thôn tổng huyện. Quan, dân trong vùng coi Ngài như bậc thiện trí thức gương mẫu uy tín của tỉnh Bến Tre. Ngài có biệt tài về thơ phú, xuất khẩu thành chương, ứng đối mau lẹ và viết chữ rất đẹp. Hàng năm cứ vào dịp gần tết, người trong làng thường nhờ Ngài viết giúp các câu đối, câu liễn để treo trên bàn thờ gia tiên. Ngài còn có trí nhớ tốt, thuộc rất nhiều kinh sử trong Tam giáo Cửu lưu. Tài hùng biện lưu loát của Ngài dễ lôi cuốn người nghe trong các cuộc đàm đạo giao lưu.

Một hôm, tự thân suy gẫm về thế cuộc nhân sinh, Ngài bỗng nhớ đến câu:

Nhơn tình tợ chỉ, trương trương bạc

Thế sự như kỳ, cuộc cuộc tân.

Nghĩa là:

Tình người giống như tờ giấy mỏng

Cuộc đời chẳng khác nào bàn cờ, thắng bại  đổi thay luôn.

Và thấy thấm thía lẽ vô thường. Hạt giống xuất gia nẩy mầm trong Ngài. Năm 1897 (27 tuổi), Ngài đến chùa Long KhánhBình Tây xin quy y thế độ với Hòa thượng Chấn Bửu, được ban pháp danh Nguyên Nhơn. Sau Ngài lại đến cầu chánh pháp nhãn tạng với Tổ Minh Lương tức Thiền sư Chánh Tâm ở chùa Kim Cang tỉnh Tân An, được ban pháp danh Như Tín, pháp hiệu Khánh Thông. Ngài là đồng môn huynh đệ với Hòa thượng Thích Khánh Hòa.

Năm 1907 (Đinh Mùi), Ngài trở về làng An Thủy phát tâm khuyến giáo kiến tạo ngôi Tam bảo đặt tên là Bửu Sơn Tự. Khi làm lễ khánh thành chùa và an vị Phật, Ngài kết hợp mở Đại giới đàn cung thỉnh Hòa thượng Bổn sư Minh Lương chùa Kim Cang giữ ngôi vị Đàn đầu Hòa thượng truyền giới. Còn Ngài được chư sơn cùng giới tử mời giữ chức Yết Ma A Xà Lê. Qua giới đàn này, danh tiếng của Ngài bắt đầu vang khắp các sơn môn. Thiện nam, tín nữ quy ngưỡng về Ngài cầu mong được thọ ân pháp nhũ. Đương thời có bà Lê Thị Ngỡi, pháp danh Như Ngỡi ở làng Tân Hào, chợ Hương Điểm là một nhà đại thí chủ, tôn kính Ngài như Bổn sư. Phàm những Phật sự phước đức nào bà phát tâm cúng dường cũng phải có Ngài chứng minh mới được.

Ngày rằm tháng 2 năm Quý Hợi (1923), Ngài được cung thỉnh lên ngôi vị Đàn đầu Hòa thượng ở Đại giới đàn chùa Thắng Quang. Đến năm Tân Mùi (1931), Ngài lại được cung thỉnh giữ chức Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn ở chùa Long Nhiêu (Bến Tre).

Ngài là người có vốn Nho học, lại thêm đức độ và uy tín thiền gia nên đồ chúng về đảnh lễ tu học rất đông. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài đã góp phần đào tạo thế hệ Tăng tài đáp ứng cho cuộc chuyển mình của Phật giáo. Lớp Tăng sĩ trẻ này đã làm nền tảng cho Hòa thượng Khánh Hòa trong mọi công tác Phật sự. Để phân biệt đệ tử của Hòa thượng Khánh Thông và đệ tử của Hòa thượng Khánh Hòa: Đệ tử Ngài Khánh Thông mang pháp danh chữ Vĩnh, như Vĩnh Huệ, Vĩnh Đạo, Vĩnh TấnĐệ tử Ngài Khánh Hòa thì mang pháp danh chữ Thành, như Thành Đạo, Thành Lệ…

Năm Giáp Ngọ (1933) vào ngày mùng 3 tháng 8 sau khi tụng xong một thời kinh, thấy người hơi mệt, biết trần duyên đã mãn, sắp buông xả thân tứ đại, Ngài bèn cho gọi các đệ tử tới bên cạnh, kể lại quảng đời hành đạo của mình, để tỏ lòng tri ân với Tổ đình Long Khánh, Tổ đình Kim Cang, cùng với huynh đệ đồng môn xuất gia tu học từ hồi niên thiếu. Ngài lại khuyên bảo chúng đệ tử xuất gia, tại gia kiên tâm bền chí lo việc tu hành, chớ nên buồn rầu. Nói rồi Ngài vui vẻ thâu thần về cõi Phật, hưởng thọ 83 tuổi đời, 55 giới lạp.