Hòa thượng Thành Đạo, thế danh Trần Văn Đước, sinh năm Bính Ngọ (1906) tại Bến Tre, là trưởng nam của ông Trần Văn Núi và bà Đặng Thị Phiến. Gia đình thuộc thành phần nông dân, thông thạo Nho học, kính thờ Phật đạo.
Năm Ất Mão (1915), khi lên 9 tuổi, Ngài được song thân dẫn đến đảnh lễ, xin xuất gia với Hòa thượng Chí Thiền, trụ trì chùa Sắc Tứ Linh Thứu, ấp Xoài Hột, xã Thạnh Phú, tỉnh Mỹ Tho. Hòa thượng Bổn sư đặt cho pháp danh là Bổn Đức (theo dòng kệ Tứ Thắng Bích Dung).
Năm Quý Hợi (1923), thời gian hành điệu chấp tác học Phật chưa được bao nhiêu thì Hòa thượng Bổn sư viên tịch. Sau khi cư tang Bổn sư xong, Ngài xin phép sư huynh cho sang đảnh lễ, cầu học với Hòa thượng Khánh Hòa (trụ trì chùa Tuyên Linh, Mỏ Cày). Ngài được Hòa thượng chấp thuận, tiếp nhận làm đệ tử, đặt cho pháp danh là Hồng Huệ, pháp hiệu Thành Đạo.
Năm Bính Dần (1926), Ngài thọ Tỳ Kheo giới tại giới đàn chùa Tân Long, xã Tân Thuận Tây, quận Cao Lãnh, do Đại lão Hòa thượng Từ Vân làm Đường đầu truyền giới.
Sau khi thọ giới, Ngài xin ở lại chùa hai năm để nương nhờ công đức, đồng thời tranh thủ học hết bốn quyển Luật Tỳ Ni. Hòa thượng Từ Vân thấy Ngài có ý chí, ngày đêm chăm lo học tập chấp tác, không nề hà mọi giờ giấc nên giới thiệu Ngài đến an cư kiết hạ tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo (Rạch Giá). Trường Hương này do Hòa thượng Trí Thiền làm Chủ hương, Hòa thượng Lê Văn Thoại chùa Long Hòa (Cao Lãnh) làm Thiền chủ. Ngài được cử làm Phó chúng trong mùa an cư đó. Cuối năm này, sau khi mãn hạ về, Ngài được cử làm trụ trì chùa Bửu Thạnh (Mỹ Tho).
Mùa hè năm Đinh Mẹo (1927), Ngài đến an cư tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn. Trường hạ này do Quốc sư Phước Huệ chứng minh, Hòa thượng Huệ Quang (chùa Long Hòa, Trà Vinh) làm Thiền chủ, Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh, Bến Tre) làm Pháp sư và bà Lê Thị Ngỡi (Bến Tre) làm Đại thí chủ. Trường quy tụ thêm hàng trăm Tăng sĩ miền Nam ra nhập hạ. Ngài được cử làm Chánh quản chúng. Trong dịp này, Ngài được gặp Hòa thượng Bích Liên và Giáo thọ Thiện Chiếu, là những Tăng sĩ luôn nặng lòng với mơ ước chấn hưng Phật giáo. Trong tiếp xúc, Hòa thượng Bích Liên đã đề tặng Ngài hai câu thơ:
Chánh niệm huân tu, thượng tọa thâm minh thiền hủy luật.
Chúng duyên hòa hợp, hương trường viễn bá đạo phong thanh.
Tạm dịch:
Chánh niệm vững vàng, thượng tọa hiểu sâu về hủy luật.
Chúng duyên hòa hợp, trường hương mở rộng đạo thơm xa.
Năm Canh Ngọ (1930), Ngài được cử về trụ trì chùa Vĩnh Phước và chùa Hưng Long ở Trà Vinh.
Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam được phát động từ năm 1929, Hòa thượng Khánh Hòa là một trong những vị khởi xướng tham gia tích cực và tiêu biểu. Năm 1930, Hòa thượng đang kiêm trụ trì hai chùa Tuyên Linh và Sắc Tứ Linh Thứu. Chùa Sắc Tứ Linh Thứu được chọn làm trụ sở tạp chí Pháp Âm, tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ và là cơ quan ngôn luận truyền bá cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Ngài Thành Đạo được thế phát tại chùa Linh Thứu, và là đệ tử của Hòa thượng Khánh Hòa nên đã tham gia phong trào từ rất sớm. Trụ sở của tờ tạp chí Pháp Âm tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu lại cũng là nơi Tỉnh ủy Mỹ Tho chọn làm trụ sở báo Dân Cày. Thế nên sau ngày Đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời (3.2.1930), mật thám Pháp phát hiện được sự liên hệ của phong trào với tổ chức này nên bao vây chùa Linh Thứu. Thường trụ là Ngài Thủ Tọa Điển phải bỏ chùa ẩn trốn. Năm 1934, Hòa thượng Khánh Hòa cùng môn đồ tứ chúng đã đồng ý cử Ngài về trụ trì chùa này.
Công việc chấn hưng Phật giáo được vài năm hanh thông suôn sẻ thì mật thám Pháp xen vào, nội bộ lủng củng. Không thể tiếp tục được nữa nên Hòa thượng Khánh Hòa mở ra hướng khác, nhằm duy trì sự hoạt động. Ngài đi theo Hòa thượng Khánh Hòa sang Trà Vinh chủ trương thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học năm 1934. Hòa thượng An Lạc (chùa Vĩnh Tràng) được cung thỉnh Chánh Hội trưởng, và Ngài là hội viên sáng lập.
Năm Ất Hợi (1935), Lễ Bộ Thượng Thơ cung lục sắc tứ lần thứ ba của vua Bảo Đại cho chùa Linh Thứu (1). Lần này, Triều đình Huế tặng cho chùa thêm hai chữ “Cổ tự” và Tự trưởng (tức trụ trì Thành Đạo) được thưởng một Ngân Bài. Liền sau đó, Ngài cho tổ chức Khánh Hạ và lập chúc thọ giới đàn. Có hơn 100 giới tử về thọ giới và 300 Tăng Ni hộ đàn. Ba vị Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh, Bến Tre), Thiên Trường (chùa Bửu Lâm, Mỹ Tho), Chánh Quả (chùa Kim Huê, Sa Đéc) chứng minh và Yết Ma. Ngài được tôn Đường đầu Hòa thượng.
Năm Kỷ Mẹo (1939), Hòa thượng An Lạc viên tịch. Ngài được môn đồ pháp quyến của Hòa thượng tôn làm Trưởng tử để lo việc tang lễ.
Việc triều đình Huế ban Sắc Tứ và Ngân Bài cho chùa Linh Thứu và bản thân Ngài, làm tăng uy tín của Ngài với triều đình. Nhờ vậy Ngài dễ dàng vận động, khuyến khích Tăng tín đồ ủng hộ các phong trào yêu nước. Do đó chùa Linh Thứu trở thành nơi liên lạc của Tỉnh ủy Mỹ Tho, nơi từng nuôi giấu, che chở cho các lãnh đạo cán bộ cách mạng. Khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ ngày 23.11.1940 thì chính nơi đây là điểm xuất phát. Cứ điểm bị phát hiện, mật thám Pháp theo dõi và bắt giam Ngài tại Khám lớn bốn năm, mãi đến khi Cách Mạng Tháng Tám thành công (1945), Ngài mới được trả tự do.
Năm 1947, vì chùa Sắc Tứ Linh Thứu đã bị theo dõi thường xuyên, không thể yên ổn ở tại đó nữa, Ngài bèn phó thác cho các đệ tử để lên Sài gòn khai sơn chùa Phật Ấn (hiện nay ở số 539 đường Trần Hưng Đạo, Q. 1) với ý định ở lại đó vài năm, chờ tình thế lắng dịu sẽ quay về chùa cũ. Nhưng với tiếng súng ngày mỗi gia tăng từ nhiều hướng trên toàn đất nước, ý định quay về của Ngài đã không thành hiện thực.
Những năm 1949 – 1950, với sự hoạt động mạnh của chiến sự Phật giáo khắp nơi. Phong trào Phật giáo Cứu quốc bị giải tán, chỉ còn lại một vài vị tiêu biểu trong Mặt trận Liên Việt và bước sang thành lập một Giáo hội Phật giáo mới với tinh thần kháng chiến. Rằm tháng hai năm Nhâm Thìn (1952) tại chùa Long An (nay ở đường Nguyễn Văn Cừ, Sài gòn) Giáo Hội Lục Hòa Tăng, hậu thân của phong trào Phật giáo Cứu Quốc được thành lập, Ngài được cử làm Tăng Giám. Năm 1953, Hội Lục Hòa Phật Tử được thành lập, hai niên khóa đầu, trụ sở đặt tại chùa Long Vân (Gia Định). Năm 1954, biến cố Bình Xuyên đã thiêu rụi chùa Phật Ấn. Ngài phải cho trùng tu lại và trụ sở của Hội Lục Hòa Phật Tử lại dời về chùa Phật Ấn. Ngài được bầu làm Hội trưởng liên tiếp hai niên khóa.
Các công tác từ thiện được hội quan tâm hàng đầu và bản thân Ngài vốn là một lương y nên chùa Phật Ấn lúc bấy giờ trở nên phòng thuốc Từ thiện, lúc nào cũng đông đảo người đến chữa bệnh. Ngài còn cho xuất bản tạp chí Phật học và thiết lập Khánh Hòa tùng thư. Ngài làm chủ nhiệm tạp chí Phật Học trong tám năm. Khánh Hòa tùng thư đã xuất bản được “ Thần thức thông “, “ Tấn đạo nghiệp”.
Mãi đến ngày 9.11.1968, Giáo Hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử thống nhất đổi tên là Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, và Ngài được cử chức Tổng Vụ trưởng Hoằng Pháp, văn phòng cũng đặt tại chùa Phật Ấn. Ngài còn có công thành lập trường Phật học Lục Hòa (gần chùa Giác Viên) và đích thân làm Giám đốc nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên trường không hoạt động thường xuyên được. Cuối năm ấy, Ngài còn cho mở Đại giới đàn tại chùa Phật Ấn để tiếp dẫn hậu lai.
Tuổi già sức yếu, Ngài viên tịch vào ngày 16 tháng 11 năm Đinh Tỵ (26.12.1977). Thọ 71 tuổi đời, 62 tuổi đạo.
Sau lễ trà tỳ, xá lợi Ngài được nhập tháp trong khuôn viên chùa Giác Lâm.
Cuộc đời Ngài với bốn mùa an cư kiết hạ, trong đó hai lần được cử làm Thủ chúng. Bảy lần được tham dự giới đàn, được tặng thưởng y pháp. Nhiều lần làm Pháp sư; làm Tuyên Luật sư, giải nghĩa Luật tứ phần trong các giới đàn. Ngoài ra thường khi Ngài còn chuyên trì các kinh Pháp Hoa, kinh Kim Cang, kinh Bát Nhã v.v… Có đầy đủ công hạnh một vị xuất gia có tinh thần tiến thủ và đã tạo nên một sự nghiệp Phật giáo để lại cho mai hậu.
Chú thích:
(1) Nguyên chùa Linh Thứu vốn hiệu là Long Tuyền được lập vào đời Cảnh Hưng. Do Hòa thượng Mẫn Huệ từng có công giúp Chúa Nguyễn Ánh trong giai đoạn bôn tẩu. Nên vào năm 1811 được Chúa (tức Gia Long sau khi giành lại ngôi) ban hiệu “Sắc Tứ Long Tuyền Tự”. Năm 1841, lại được vua Thiệu Trị ban Sắc Tứ lần thứ hai, và lần này chính thức đổi tên thành Linh Thứu Tự.