Hòa Thượng Thích Giác Nhiên (1878-1979)

Hòa thượng pháp danh Trừng Thủy, pháp tự Chí Thâm, pháp hiệu Giác Nhiên, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Thiên Thai Sơn, đời thứ 42.

Ngài thế danh là Võ Chí Thâm, sinh ngày 7 tháng 1 năm 1877, tại làng Ái Tử, huyện

Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là cụ Võ Văn Xưng, thân mẫu là cụ Trần Thị Diều. Ngài xuất thân từ một gia đình gia phong nề nếp. Năm lên 7 tuổi Ngài theo học chữ Nho, nhưng với chí nguyện xuất trần, Ngài từ giã quê nhà đến chùa Tây Thiên Di Đà ở Huế xin đầu sư với Hòa thượng Tâm Tịnh.

Suốt hai mươi ba năm tu học, dưới sự dìu dắt của Hòa thượng Bổn sư, cộng thêm với sức mạnh của người quyết tâm học đạo, định lực của Ngài càng tăng trưởng. Mọi đối tượng ngoại giới đều trở thành đề tài thiền quán để chứng nghiệm giáo lý Phật đà, nên tri kiến của Ngài mỗi ngày mỗi sâu sắc. Năm 1910, Ngài cùng Hòa thượng Tịnh Khiết đến chùa Phước Lâm, tỉnh Quảng Nam cầu thọ Cụ Túc giới tại giới đàn do Tổ Vĩnh Gia làm Đàn đầu, Ngài Tâm Truyền làm Yết Ma, Ngài Hoàng Phú làm Giáo Thọ. Sau khi đắc giới, Ngài chuyên tâm nghiêm trì giới định tuệ, đạo tâm mỗi ngày mỗi triển nở. Ngài ý thức sâu sắc hạnh nguyện “Thượng cầu hạ hóa” là mục đích trọng yếu của người hành đạo.

Năm 1932, Ngài đã cùng quí Hòa thượng Phước Huệ, Giác Tiên, Tịnh Hạnh và hai Cư sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám, Trương Xướng đứng ra thành lập hội An Nam Phật Học. Ngài đã đảm nhiệm chức vụ Chứng minh Đạo sư và kiêm nhiệm Giám đốc Phật học đường Tây Thiên, Huế.

Năm 1934, Ngài được cung thỉnh làm trú trì quốc tự Thánh Duyên thuộc Túy VânHuế, một trong ba quốc tự lớn nhất ở Huế.

Năm 1936, Ngài được triều đình Duy Tân phong chức Tăng Cang. Cùng năm đó, Ngài và Hòa thượng Giác Tiên chứng minh cho tạp chí Viên Âm, đây là một phương tiện hoằng dương Phật pháp hết sức quan trọng thời bấy giờ.

Năm 1937, Ngài được Giáo Hội và Môn phái suy cử làm trụ trì Tổ đình Thuyền TônHuế (1).

Năm 1956, Ngài được Giáo Hội Phật Giáo Trung phần cung thỉnh vào chức vụ Viện trưởng Phật Học Viện Hải Đức-Nha Trang. Đây là nơi đào tạo Tăng tài của Phật giáo Trung Phần.

Từ những năm 1958 đến năm 1962, trong suốt bốn niên khóa, Ngài đảm nhiệm chức vụ Chánh Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Phật Giáo Trung Phần. Khi đảm nhiệm chức vụ này, tuổi Ngài đã 80 nhưng Ngài chẳng quản tuổi cao sức yếu, đích thân kinh lý các cơ sở Phật giáo trực thuộc để thăm viếng và chỉ đạo.

Năm 1963, vào ngày 14-4 năm Quý Mão, trước thảm họa kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, với độ tuổi 86 thân hình mảnh khảnh, nương chiếc gậy trúc Ngài dẫn dầu đoàn tuần hành đòi tự do tín ngưỡng và bình đẳng cho tôn giáo.

Sau cuộc đấu tranh chống chính sách kỳ thị tôn giáo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, mở ra một trang sử mới của Đạo Phật Việt Nam. Trước tình hình và nhiệm vụ mới, Ngài luôn luôn quan tâm đến việc phát triển và đào tạo những nhân sự có tài, có đức để chu toàn mọi mặt cho Đạo pháp và Dân tộc.

Với trọng trách đó, Ngài đã nhiều lần làm Đàn Đầu Hòa thượng truyền giới cho chúng xuất gia và tại gia nơi các Giới đàn như Hộ Quốc tại Phật học viện Trung phần Nha Trang (chùa Hải Đức), Giới đàn Vạn Hạnh tại chùa Từ Hiếu-Huế, Giới đàn Vĩnh Gia tại Phật học viện Phổ Đà- Đà Nẳng… và Ngài đã tổ chức cho hàng ngàn Phật tử tại gia thọ Bồ Tát giới, Thập thiện, Tam quy ngũ giới trên khắp mọi miền đất nước.

Môn đồ đệ tử của Ngài là những vị đã và đang giữ những chức vụ trọng yếu trong Giáo hội như Hòa thượng Thiện Siêu, Thiện Minh, Thiện Bình

Sau khi Đại lão Hòa thượng Đệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết viên tịch, Ngài được Đại Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kỳ V suy tôn kế vị làm Đệ nhị Tăng Thống vào ngày 10-3-1973. Đây là chức vụ nặng nề nhất giữa bối cảnh đất nước và đạo pháp đang có nhiều biến chuyển, đồng thời cũng là chức vụ sau cùng của đời Ngài. Ngài luôn lấy nỗi ưu tư thoát khổ của chúng sanh làm nỗi ưu tư của chính mình. Vì thế với chức vụ cao cả nặng nề ấy, Ngài đã quan tâm rất nhiều đến hoàn cảnh đất nước và nội tình Giáo hội. Ngài chủ trương dập tắt chiến tranh, đem lại hòa bình cho đất nước và ưu tư hàng đầu vẫn là sự sinh hoạt của Tăng Ni, Phật tử trong cộng đồng Giáo hội.

Sau năm 1975, đất nước đã hòa bình thống nhất, Ngài ra lời khuyên nhủ tứ chúng luôn luôn tăng trưởng đạo tâm, huân tu tam học giới định tuệ, áp dụng tinh thần Bách Trượng vào cuộc sống hằng ngày, Ngài dạy: “Tôi nay đã già rồi, hơn 100 năm qua tôi đã sống và đã chứng kiến bao nỗi thay đổi của đất nước thân yêu. Với hàng xuất gia, tôi thấy không gì hơn là sống phạm hạnh, hoan hỷ, hòa hợp, giữ gìn giới, định, tuệ để hành đạo giúp đời”. Đối với hàng Cư sĩ, Ngài khuyến dụ: “Tôi cũng mong hàng Phật tử tại gia hãy tu tâm dưỡng đức, biết thương yêu mọi người, làm tròn trách nhiệm của mình đối với đạo, đối với đời để cùng nhau phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật và xây dựng một nước Việt Nam vinh quang giàu mạnh”.

Trong sự nghiệp tu hành, Ngài luôn luôn kêu gọi Tăng sĩ nên chú trọng cuộc sống nội tâm hơn là nghiêng về hình thức. Đạo Phật thật sự tồn tại không chỉ ở hình thức chùa tháp, lễ nghi, kinh điển, mặc dầu kinh điển là kim chỉ nam dẫn đến đạo quả Vô thượng bồ đề. Mà sự tồn tại đích thực của đạo là sự thể hiện đạo pháp qua nếp sống gương mẫu của các bậc Tăng già nghiêm trì giới luật và tận lực phục vụ để chánh pháp mãi mãi tồn tại ở thế gian, đem lại nhiều lợi ích cho chúng sanh.

Đầu xuân 1979, ngày 4 tháng Giêng, năm K Mùi, Ngài tiếp Hòa thượng Chánh thư Viện Tăng Thống và Ban Đại Diện Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên đến chúc thọ đầu năm. Sau lễ chúc thọ, Ngài ân cần đáp lễ với những lời đầu năm vô cùng xúc động: “Tôi nay tuổi đã già, sức khỏe của tôi kém nhiều, chưa biết chừng sự chết sẽ đến nay mai. Nhân dịp đầu năm, Hòa thượng cùng quí Thầy đến thăm tôi, tôi xin cám ơn và cầu Phật gia hộ Hòa thượng cùng quí Thầy nhiều sức khỏe cố gắng kiên nhẫn trước mọi hoàn cảnh để phục vụ Giáo hội, dìu dắt Tăng Ni, tín đồ tu niệm. Tôi thật không còn có gì vui sướng hơn”. Đây là di huấn tối hậu trước khi Ngài vào cõi Niết Bàn tịnh lạc.

Giữa ngày mồng 5 thân thể khiếm an, rồi Ngài xả báo thân vào hồi 6 giờ 30 ngày 6 tháng Giêng năm K Mùi (2/2/1979) hưởng thọ 102 tuổi đời và 69 hạ lạp.

Chú thích:

(1) Ngôi Tổ đình này do Ngài Thật Diệu – Liễu Quán thuộc thiền phái Lâm Tế khai sơn vào khoảng năm thứ IV niên hiệu Vĩnh Thịnh (1708) và theo phả hệ Thiền Chi của Ngài Liễu Quán thì Ngài thuộc đời thứ VIII.