Hòa thượng, thế danh là Phạm Văn Vịnh, pháp danh Đạt Thới, pháp hiệu Chánh Thành, sinh năm Quý Dậu (1872) tại làng Tân Nhuận Đông, tỉnh Sa Đéc, nay là tỉnh Đồng Tháp, trong một gia đình Nho học kiêm lương y đương thời.
Từ thuở nhỏ, Ngài được phụ thân hướng dẫn dạy bảo theo đường Nho học. Sẵn có thiên tư đĩnh ngộ, lại được sự chăm sóc chu đáo của nghiêm đường, Ngài nổi tiếng học giỏi, thông minh xuất chúng được mọi người khen ngợi.
Năm Ngài 11 tuổi (1883) song thân lần lượt qua đời, trong lúc việc học hành của Ngài đang tiến triển bình thường. Ngài lâm vào hoàn cảnh côi cút, tràn ngập đau thương. Cảm thấy thấm thía sự vô thường của tạo vật, cuộc sống ở cõi Ta Bà này chỉ là giả tạm, Ngài liền nghĩ đến việc xuất gia đầu Phật. Ngài đến đảnh lễ Sư Tổ Liễu Ngọc – Châu Hoàn Thượng Nhân chùa Hội Phước ở Rạch Nha Mân, thị xã Sa Đéc và xin được thế phát quy y.
Với bản chất thông minh, lại thêm quyết chí tu học, ngoài những thời công phu hàng ngày và chấp tác phụng sự Bổn sư, Ngài dành cả thì giờ còn lại cho việc nghiên cứu kinh điển, tìm hiểu những điều cao siêu thâm thúy của Phật pháp. Nhờ vậy việc tu học của Ngài ngày một tiến triển, giới luật càng tinh nghiêm, được các bậc tôn túc thương yêu và đại chúng quý mến. Chẳng bao lâu Ngài đã trở thành một vị Pháp sư tài đức vẹn toàn.
Năm 23 tuổi (1895), Ngài được Sư tổ Liễu Ngọc truyền trao Chánh pháp Nhãn tạng với bài kệ như sau:
Thới nhiên tâm địa xuất trần ai
Chánh pháp tạng trung chơn thật nghĩa
Thành năng tham thấu tức Như Lai.
(Tư Chỉ tạm dịch)
Hoát nhiên tâm địa vượt trần ai
Trong lòng chánh pháp chơn thật nghĩa
Năm 1896 Sư Tổ Liễu Ngọc bổ xứ Ngài về trú trì chùa Vạn An ở xã Tân An Đông, Sa Đéc. Về sau Tăng tín đồ thường gọi Ngài là Hòa thượng Vạn An.
Năm 1902 sau khi Bổn sư Liễu Ngọc thị tịch, Ngài đến xin y chỉ với Sư tổ Hải Huệ – Minh Thông ở chùa Linh Thứu ở Mỹ Tho và được ban pháp hiệu Như Vịnh – Diệu Liên.
Năm 1914, hưởng ứng phong trào yêu nước chống thực dân Pháp do Kỳ Ngoại Hầu Cường Để hô hào ở Nam bộ, Ngài bị người Pháp bắt giam 9 tháng, sau vì không có chứng cớ, chúng phải trả tự do cho Ngài.
Năm 1934, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ phát triển mạnh. Các Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang, Pháp Hải v.v… thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ở Trà Vinh, mở Phật học đường để đào tạo Tăng tài, Ngài được mời làm Pháp sư tham gia giảng dạy.
Năm 1937, Phật Học Đường Lưỡng Xuyên gặp khó khăn về tài chánh phải đóng cửa. Ngài quay về bổn tự mở trường gia giáo tại chùa Vạn An, tiếp tục truyền đạt giáo lý cho Tăng sinh. Năm 1940 Ngài lại mở Phật học Ni trường ở Tây đường chùa để đào tạo Ni chúng. Số Tăng Ni sinh xuất thân từ trường gia giáo Vạn An rất nhiều, trong số đó có những vị danh tiếng như các Hòa thượng Kiểu Lợi, Huệ Hưng, Phước Cần… các Sư bà Chí Kiên, Như Hoa, Huyền Học, Như Chơn…
Năm 1945, Liên đoàn Phật giáo Cứu quốc Nam bộ được thành lập, phát triển các chi hội khắp các địa phương, trong đó có huyện Châu Thành, tỉnh Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp, mặc dầu tuổi già sức yếu (lúc đó Ngài đã 73 tuổi, Ngài vẫn hăng hái lãnh nhiệm vụ cố vấn, động viên tinh thần yêu nước cho hàng ngũ Tăng tín đồ ở huyện nhà.
Năm 1947, chiến tranh lan khắp nơi. Quân viễn chinh Pháp mở các cuộc càn quét vùng nông thôn. Khu vực chùa Vạn An mất an ninh, Ngài phải cùng các đệ tử lánh cư về chùa Hội Phước. Năm Kỷ Sửu (1949) Ngài lâm bệnh nhẹ và thị tịch vào lúc 3 giờ khuya ngày 25 tháng 6, trụ thế 77 năm, được 54 hạ lạp.
Trong cuộc đời hoằng pháp lợi sanh của Ngài, ngoài việc tham gia giảng dạy ở các Phật học đường, Ngài còn có công lớn trong việc diễn Nôm một số kinh lưu hành ở miền Nam thời bấy giờ. Các tác phẩm của Ngài hiện còn lưu giữ tại Tổ đình Vạn An (Sa Đéc) gồm có:
Kinh:
– Di Đà Sớ Sao.
– Pháp Hoa
– Pháp Bảo Đàn.
Luật:
– Tứ Phần Như Thích
– Tỳ Kheo Giới Kinh.
– Sa Di Sớ.
– Tỳ Ni Hương Nhũ.
Sám:
– Quy Mạng
– Khể Thủ v.v…