LỜI TỰA
Phàm Thích Ca Như Lai, một đời thuyết pháp , ba tạng giáo điển, dù Đại hay Tiểu, dẫu Đốn hoặc Tiệm, cũng không ngoài mục đích giải thoát. Như câu Phật ngôn ví như nước biển, chỉ duy có vị mặn, đạo ta cũng vậy, chỉ duy có vị giải thoát. Nếu không các khổ, ắt không có giải thoát. Thế nên giải thoát ,là giải thoát ra khỏi mọi buộc ràng của phiền não nhiễm trược.
Đức Phật từ bi rất mực, niệm niệm quán sát, tùy cơ thuyết giáo, lập mọi phương tiện, đưa chúng sinh khỏi biển phiền não,thức hữu tình tỉnh giác mộng vô minh. Di Giáo Tam Kinh không rời ý chỉ tự giác giác tha, lợi mình lợi người này, bao gồm các giáo nghĩa căn bản,đối trị tà nghiệp, phiền não , khổ;qua từng lời Phật ngôn, mà Liên Tông Cửu Tổ Ngẫu Ích Đại sư đã phải cảm xúc , cho rằng mỗi chữ đều là huyết lệ. Di Giáo kinh còn là những lời dạy cuối cùng của Từ phụ , dặn dò và mong mỏi chúng ta thực hiện, dược coi là nền tảng cho người tu học Phật. Không qua cửa này, không sao chân chính tu học Phật , bàn chi đến việc thành Phật làm Tổ. Nên Di Giáo không hành , thì dẫu có nói được Thập nhị phần giáo, hay Thiên Thất Bách chuyển ngữ vẫn là chuyện bơ vơ bên bờ sinh tử. Vì vậy , đối với hàng chỉ thích đàm huyền nói lý, bỏ quên ý chỉ Di giáo, khác nào chẳng màng nền móng, chỉ mong dựng lầu nơi chốn hư không. Thành thử, Ô Sào Thiền Sư chẳng ngần ngại giải bầy đạo lý Phật pháp chính là “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ tâm, thị chư Phật giáo”. Hay thay!Chính vì lẽ ấy , học đạo nhân Bành Tế Thanh cũng chẳng đã bảo rằng: ý chỉ vô trụ của Kim Cương , pháp môn Bất Nhị của Duy Ma , cũng không qua kinh này. Lời đó chẳng phải ngoa khác nào Phật ngôn:”Thí như ăn mật, giữa hay hai bên đều ngọt, kinh ta cũng vậy”.như vậy , hàng học đạo sao dám sơ hốt Di Giáo Tam Kinh, mà không khởi tâm trân trọng!
Nguyện cho mười phương chúng sinh đều trọn thành Phật đạo.