THAY LỜI TỰA
Nói về đạo, không có đạo nào lớn hơn bằng đạo Phật, nói về lý, thì không có lý nào thâm cho bằng lý Phật. Còn nói về tu, thì không tu nào dễ cho bằng tu Phật.
Người thế gian chỉ biết đạo lý của Phật khó hiểu chớ không biết pháp môn của Phật là dễ tu. Nghe nói Đức Phật Thích ca tu nhiều kiếp mới thành, lại cho là khó, ít ai dám tu Phật.
Thù bất trí, pháp của Ngài tự tu rất khó, mà pháp dạy chúng sanh tu lại rất dễ.
Nguyên Đức Thích Ca trước khi Ngài chưa tu, thì Ngài cũng là một cá nhơn ở trong cõi sanh tử như ta vậy. Cũng có nhiều kiếp hưởng phước mà sanh làm Trời, làm Tiên, làm người, làm Tu la và cũng có nhiều kiếp thọ tội, mà đọa vào đường địa ngục, đường ngạ quỷ, và đường súc sanh, lăn lộn biết bao nhiêu kiếp, thay đổi biết mấy thân, khổ sướng nhục vinh không phương xiết kể.
Còn đến Pháp môn của Ngài tu hành, thì chỉ có pháp khó, chớ chưa có pháp dễ như Pháp môn Tịnh- độ.
Tu như Pháp môin Tịnh-độ dễ như chim lướt gió xuôi, thuyền bơi nước thuận, chẳng hề mệt sức mà lại đi chắc đến nơi, về chắc đến chốn, không đợi nhiều kiếp tu nhọc chứng.
Chẳng qua là vì đạo có cao thấp, và pháp có khó dễ, nếu chẳng biện biệt cho rõ, thì nẻo xu hướng phải mơ hồ, dầu có cầu đạo cũng uổng công, có tu hành cũng nhọc sức đâu có lên đặng con đường giải thoát mà trông ra cõi luân hồi.
Phổ nguyện những người tu hành ngày nay tất cả đừng có bày đặt sửa đổi chi hết, chỉ sau cái lòng tin về Pháp môn Tịnh-độ cho hẳn hòi mà thôi, rồi cứ y theo nghi thức tụng niệm Phật mà tu hành.
Vậy bộ LONG THƠ TỊNH ĐỘ bằng Hán văn này do Ngài Vương -Nhựt- Hưu đã sưu tập.
Hôm nay Thầy Tỳ kheo Lê Phước Bình dịch Hán văn ra Việt ngữ để cống hiến cùng quý bạn đồng tu Tịnh – độ, y theo tuần tự thứ lớp trong bộ sách này để làm ngừon cội chỉ giác con đường nào phải đi , để khỏi lầm lạc vậy.
Nếu tin cho thâm, niệm cho thiệt, niệm cho chắc, thì chẳng đợi đến khi chết mới thấy Tịnh-độ, hiện đương còn sống mà khi ta tịnh tọa quán tưởng, hay là chiêm bao, thì cũng thấy, các lầu châu giác ngọc, thấy Phật và Bồ tát, La hán và Thinh văn, thấy đủ quốc độ nhơn dân phong cảnh hi kỷ, dầu cõi Trời và cõi Tiên cũng không bì đặng.
Đó cũng tại cái tư tưởng của mình thanh tịnh như vậy, như bóng mình tốt , thì chụp vào cái máy bóng cũng tốt, tiếng của mình thanh, thì thâu vào cái máy tiếng cũng thanh.
Vã lại bóng với tiếng là vật vô tình, mà tinh thần còn đặng y như nhau như vậy, huống chi cái tâm hữu tình, mà tưởng cảnh hữu tình, mà tưởng cảnh hữu tình, thì làm sao lại không có cảm ứng.
Nên phải biết rằng tánh ta với tánh Phật hai tánh in nhau, như nước hòa với nước, như dầu hiệp với dầu. Nếu ta niệm Phật, thì Phật tiếp ta, dắt dìu ta về cõi Tây phương, dễ như con rận nưong theo áo người đi xa ngàn dặm vậy. Nhưng không đặng vãng sanh là tại nơi người, chớ không phải tại nơi pháp.
Xưa Ngài Thiên Như Hòa Thượng nói rằng: “Chánh pháp trọng pháp chi hậu, chư kinh diệt tận, chỉ lưu A-di-đà Phật, tứ tự cứu độ mạt pháp chúng sanh, kỳ hữu bất tín giả ưng đọa ngục”. Nghĩa là: “sau khi chánh pháp qua rồi, thì các kinh lần lần tiêu diệt, chỉ còn lại 4 chữ A-di-dà Phật để cứu độ chúng sanh, trong đời mạt pháp nếu ai không tin thì phải đọa vào địa ngục”.
Lại Ngài Liên Trì đại sư nói rằng: “Mạt pháp Tỳ kheo tín tâm bất như cư sĩ, cư sĩ bất nữ nhơn”. Nghĩa là: “trong đời mạt pháp tín tâm của mấy thầy Tỳ kheo phần nhiều thua mấy ông cư sĩ, còn mấy ông cư sĩ phần nhiều lại thua trong hàng nữ lưu.
Vì cái tín căn của nữ lưu thậm hơn Tỳ kheo và cư sĩ, nên tuy họ không hiểu chi về đạo lý, mà nghe đặng cái pháp niệm Phật thì họ do cái tánh linh của họ, mà định y giáo phụng hành, không có cái lý thuyết nào đánh đổ họ đặng.
Còn mấy thầy Tỳ kheo và cư sĩ thhì tín căn không đặng quyết định hay ỷ trí tư tưởng cao xa, hay làm sự thần kỳ mắc mỏ, nên cứu cánh vãng sanh thì ít mà đọa thì nhiều: (A Di Đà Phật xin hoan hỷ).
Nếu Tỳ kheo và cư sĩ đã sẵn trí huệ như vậy mà chuyên tu Tịnh-độ thì chắc đặng thượng phẩm thượng sanh.
Vậy, hỡi ai ôi!…Ai là râu hùm cằm én, ai là đầu tròn áo vuông, xin đừng quá nhượng cái đài tọa sen vàng, mà để cho khách hống quần chiếm hết.
NAMMÔ TA BÀ GIÁO CHỦ ĐIỀU NGỰ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
THÍCH TỪ
GIÁC MINH