Tu Tập Bằng Cách Tham Cứu Các Công Án Của Người Xưa

Tu tập bằng cách tham cứu các công án của người xưa có thể đạt tiến bộ không, có đạt chứng ngộ rốt ráo không?

Nguyên Tâm, Đê La Thành, Hà Nội

Ngày xưa tại Linh Sơn, Thế Tôn cầm cành hoa đưa lên để dạy chúng. Bấy giờ mọi người đều im lặng, chỉ có Tôn giả Ca-diếp rạng mặt mỉm cười. Thế Tôn dạy: “Ta có nhãn tạng chánh pháp, Diệu tâm niếtbàn, sự vô tướng của thực tướng, pháp môn vi diệu, không lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo điển, nay trao cho Ma-ha Ca-diếp” (Vô Môn quan). Câu chuyện trên được ghi trong Tông Môn Tạp Lục, qua đó lời dạy của Đức Phật có ý nghĩa thâm sâu và câu chuyện đã trở thành một công án rất quan trọng của Thiền tông.

Dù chưa có thống kê nào chính thức, người ta vẫn cho là có khoảng 1.700 công án, một số được ghi chép trong các tác phẩm như Bích Nham Lục, Thung Dung Lục, Lâm Tế Lục, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Vô Môn QuanCông án, là những câu chuyện, câu hỏi khó hiểu (thoại đầu), được kể về các thiền sư dạy người, dạy đệ tử. Như tên gọi của nó, nó được nêu lên cho mọi người biết, như kiểu án lệnh ở công đường, như văn thư chính thức của nhà quan, còn gọi là công phủ chi án. Tuy vậy, đại đa số công án lại là trường hợp các thiền sư dạy riêng cho một cá nhân, tùy theo phẩm cách trình độ và sự nghi nan, thắc mắc của từng người.

Giả sử ta giải được một hay nhiều công án, có kinh nghiệm về việc đọc, tham công án thì đấy chỉ là sự hiểu biết, là trí thức, chẳng dính dáng gì đến sự chứng ngộ. Ta có tiến bộ về kiến thức, nhưng còn quá xa vời để đến con người chứng ngộ.

Đọc một công án, chúng ta cần xét đến mấy điều sau đây:

a/ Công án là do ai ghi lại? Tự thân chư thiền sư liên hệ thì không ghi chép, chỉđệ tử hay ai đó, trình độ của người ghi có vững không? Có khi chỉ là một động tác, một câu nói bình thường hay bất chợt, chẳng có gì thuộc công án cả.

b/ Nhiều công án được ngụy tạo, do một người bày đặt ra vì một số lý do nào đó, ví dụ để đề cao tông môn… trường hợp này hẳn nhiều lắm.

c/ Ngôn ngữ, cử chỉ của thiền sư là nhằm để dạy dỗ, giải nghi, mở trí cho từng trường hợp riêng của người đến học hỏi, chứ không phải cho người đọc công án.

d/ Như đã nói, liễu giải được công án thì chỉ làm giàu kiến thức chứ không phải trí tuệ tinh ròng.

e/ Về chi tiết của một số công án mang vẻ quá bất bình thường, đáng nghi. Ví dụ:

Triệu Châu chém con mèo vì chư tăng không trả lời được câu hỏi (kết quả chẳng biết ra sao, có lợi cho ai?).

Câu Chi chặt đứt ngón tay của chú tiểu (quần chúng, cha mẹ chú ấy, chính quyền phản ứng thế nào?

Chú tiểu ngây dại như thế, bị chặt ngón tay mà ngộ được sao?).

Nhị Tổ cầu đạo đứng suốt đêm giữa tuyết tự chặt cánh tay mình (Sơ Tổ Đạt Ma há phải đợi đến như thế mới an tâm cho Nhị Tổ sao? Đi cầu đạo mà mang đại đao làm gì để rồi tự chặt cánh tay?…)

Con chồn hóa ra một ông lão đến cầu đạo với Ngài Bách Trượng và được thoát kiếp chồn… (Có lẽ đây chỉ là giấc mơ!)

Nếu chứng ngộ rốt ráo được hiểu là đạt Niết-bàn, thoát sinh tử luân hồi thì các trường hợp gọi là đạt ngộ, đại ngộ của các nhân vật trong các công án, thiền thoại e khó mà được hiểu như thế.

http://tapchivanhoaphatgiao.com