Niêm Hoa Vi Tiếu

Trong các sách Thiền có nêu sự việc Đức Phật cầm cành hoa đưa lên và Ngài Ca-diếp mỉm cười… Xin cho biết xuất xứ của sự việc ấy và ý nghĩa của lời Phật tuyên bố trước hội chúng.

Bảo Đức 522D. 1bis, Thành Thái, phường 12, quận 10, T/P Hồ Chí Minh

Tông Môn Tạp Lục nêu xuất xứ của sự việc ấy như sau: Học giả và là nhà chính trị Vương An Thạch (1021-1086) hỏi Thiền sư Tuệ Tuyền: “Thiền tông nói Đức Phật Thích Ca đưa cành hoa lên có xuất xứ ở kinh điển nào?” Sư Tuệ Tuyền đáp: “Tạng kinh cũng không thấy chép việc này”. Vương An Thạch nói: “Tôi vào Hàn Uyển, ngẫu nhiên thấy có bộ Đại Phạm Thiên Vấn Phật Quyết Nghi Kinh gồm ba quyển, nhân đó mà đọc thấy kinh ghi chép tường tận việc Phạm vương đến núi Linh Thứu dâng Phật một cành hoa ba-la vàng rồi xả thân làm sàng tọa, thỉnh Phật thuyết pháp. Đức Thế Tôn đăng tòa, đưa cành hoa lên cho đại chúng xem. Nhân thiên trăm vạn không ai hiểu gì, chỉ một vị Đầu-đà nước da vàng ánh rạng rỡ mỉm cười. Thế Tôn nói: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, nay ta trao cho Ma-ha Ca-diếp”. (Đức Phật truyền cho Ngài Ca-diếp cái kho chứa con mắt chánh pháp, cái tâm vi diệu Niết-bàn, cái vô tướng của tướng chân thật).

Các sách như Bích Nham Lục do Viên Ngộ Khắc Cần (1063-1135) soạn, Liên Đăng Hội Yếu do Ngộ Minh soạn năm 1183, Vô Môn Quan do Vô Môn Huệ Khai soạn năm 1228… nhắc lại sự việc trên và có thêm vào lời dạy trên của Đức Phật: “… bất lập văn tự, giáo ngoai biệt truyền” (Không lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo điển). Về sau, các học giả, thiền gia nhắc lại sự việc trên và xem đó là một công án thiền. Lại có thuyết cho rằng Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Quốc (năm 520) có trao cho Nhị tổ Huệ Khả một bản Kinh Lăng Già gồm bốn quyển, nhân đó thành lập Thiền tông Trung Hoa và chính Ngài đã truyền kệ như trên.

Qua câu hỏi của Vương An Thạch, ta có thể biết trước đó sự việc trên đã được lưu truyền trong thiền giới, nhưng như Ngài Tuệ Tuyền nói, các kinh sách Phật giáo từ trước cho đến đời Tống (960-1280) không hề nhắc đến sự việc trên. Kinh Đại Phạm Vương Vấn Phật Quyết Nghi không tìm được, không được đưa vào Đại tạng và nhiều học giả cho rằng có thể là ngụy kinh. Tuy vậy, tinh thần của sự việc và lời dạy trên hẳn cũng là một sự phát triển của giáo lý Phật giáo được ghi trong nhiều kinh điển chính thống của Đại thừa”. Kinh Niết-bàn (bản Bắc) chép lời Phật: “Này các Tỳ-kheo, ta có chánh pháp vô thượng, trao cho Ma-ha Ca-diếp. Ca-diếp sẽ là chỗ y chỉ của các Tỳ-kheo, cũng như Như Lai là chỗ y chỉ của chúng sinh”. Kinh Lăng Già ghi lời Phật dạy Bồ-tát Đại Huệ: “Chư Phật và chư Bồ-tát chẳng nói, chẳng đáp một chữ nào. Tại sao? Vì pháp lìa văn tự”. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục tổ Huệ Năng cũng dạy: “Diệu lý của chư Phật chẳng có liên hệ gì đến văn tự”.

Đức Phật đưa cành hoa lên (niêm hoa) và Ngài Ca-diếp hiểu ý mỉm cười (vi tiếu). Đó là pháp môn lấy tâm truyền tâm. Ngài Ca-diếp đã nhận tâm ấn của Đức Phật. Tâm ấn thường được diễn dịch là dấu ấn của tâm, nhưng nên được hiểu là tâm này (của người thọ nhận) ấn khớp với tâm kia (của người trao truyền, tức chư Phật, Tổ…). Kho chứa con mắt chánh pháp là toàn bộ nội dung của giáo lý Phật giáo, chân thật, tuyệt đối. Đó cũng là cái tâm vi diệu Niết-bànthật tướng là vô tướng. Vì là truyền tâm, cái tâm tuyệt đối, nên chỉ truyền riêng cho người có căn cơ khế hợp chứ không thể dùng ngôn ngữ văn tự hạn hẹp của thế gian mà thuyết giảng được. Đây chính là yếu chỉ của Thiền tông Đông độ.

Sự việc Đức Phật niêm hoa và lời dạy trên của Ngài có thể không xảy ra trên thực tế, nhưng cái ý nghĩa của nó là chân thực, đã trở thành yếu chỉ của Thiền môn và do tu tập theo yếu chỉ này, các thiền gia đã đạt lợi ích trong đời sống thường nhật, trong tu tập hoặc đã đạt chứng ngộ cao vời.

http://tapchivanhoaphatgiao.com