Xin cho biết ý nghĩa của ba thân (Tam thân) của Đức Phật và tên một số kinh sách nói về ba thân này.
Nguyễn Quang Vinh, Hà Đông, Hà Nội
Học thuyết Tam thân (Trikaya) của Đức Phật trong Phật giáo Đại thừa được hình thành khá chậm, vào khoảng thế kỷ IV Tây lịch. Trong các kinh Nikaya của Phật giáo Nguyên thủy, ta chỉ thấy nói đến Pháp thân (Dhammakaya) và từ này lại chủ yếu nhằm chỉ cái thân tuyệt đối chân thật của Đức Phật (Kaya có nghĩa là thân thể và cũng có nghĩa là bộ phận, tập hợp, hệ thống). Đức Phật có lần bảo Vasettha rằng Như Lai là Pháp thân, là người đã chứng Chân lý (Kinh Trường Bộ). Ngài cũng từng dạy Vakkhali rằng ai thấy Pháp (Chân lý) là thấy Như Lai, ai thấy Như Lai là thấy Pháp (Kinh Tương Ưng Bộ).
Ý niệm về Tam thân có lẽ phát xuất từ Kinh Lăng Già. Trước đó, khi học thuyết Tam thân chưa được hình thành, Pháp thân được trình bày như một Chân lý tuyệt đối, vượt ngoài mọi tính toán, đo lường, hình dung. Kinh Lăng Già phân biệt ba thể cách của chư Phật, được xem là ba tính, ba vị Phật:
1/ Đức Pháp tính Phật (Dharma Buddha) hay Đức Như Lai Trí Phật (Tathagatajnana Buddha) hay Đức Căn bản Như Lai (Mula Tathagata);
2/ Đức Sở Lưu Phật (Nishyanda), cũng được dịch là Báo Phật; và
3/ Đức Hóa Phật hay Biến hóa Phật (Nirmana Buddha).
Về sau, nhiều kinh sách xuất hiện với học thuyết Tam thân và việc giải thích ba thân Phật có chỗ khác nhau.
Theo Thập Địa Luận, ba thân Phật là :
1/ Pháp thân (Dharmakaya), tức cái thân lý thể chân như thật tướng trường trụ, vắng lặng;
2/ Báo thân (Sambhogakaya), tức cái thân kết quả của công phu tu hành qua vô số kiếp, mang hình tướng tốt đẹp, trang nghiêm (như Đức Thích Ca trong 80 năm tại thế) và
3/ Ứng thân (Nirmanakaya – đúng ra phải được dịch là Hóa thân), tức là các thân biến hiện theo hoàn cảnh, căn cơ của chúng sinh mà hóa độ.
Theo Kinh Kim Quang Minh, tam thân của Đức Phật là:
1/ Pháp thân, tức cái thân diệt trừ mọi phiền não, đầy đủ thiện pháp, cái thân của như như, như trí;
2/ Ứng thân, cái thân giáo hóa Bồ-tát, đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp (Ứng thân ở đây tương đương với Báo thân của Thập Địa Luận), và
3/ Hóa thân, tức cái thân tự tại, hiện ra nhiều thân để giáo hóa, cứu độ chúng sinh (Hóa thân ở đây tương đương với Ứng thân của Thập Địa Luận).
Theo Tông Cảnh Lục, Tam thân là:
1/ Tự tính thân hay Pháp thân (tương đương với Pháp thân trong hai bộ luận và kinh nói trên);
2/ Thọ dụng thân, cái thân vui hưởng quả báo (tương đương với Báo thân của Thập Địa Luận và Ứng thân của Kinh Kim Quang Minh).
Các kinh luận nói trên đều có cách hiểu Pháp thân gần giống nhau và khác nhau về cách diễn dịch Báo thân, Ứng thân, Thọ dụng thân, Hóa thân. Thực ra, chúng ta chưa tìm được từ Phạn ngữ tương đương với từ Ứng thân. Phẩm Tam thân trong các bản Hán dịch – một của ngài Nghĩa Tịnh và một của ngài Chân Đế – lại không có trong bản Phạn ngữ đã tìm được, trong khi cả hai ngài đều dùng từ Ứng thân.
Đại khái, ta có thể hiểu Tam thân của Đức Phật là:
1/ Pháp thân, tức cái thân chân như, tuyệt đối, trọn vẹn, đầy đủ, bất khả tư nghì;
2/ Báo thân, tức cái thân an lạc, tốt đẹp, đầy đủ phước báo, kết quả của nỗ lực tu hành từ vô lượng kiếp, và
3/ Hóa thân, tức cái thân hóa hiện ra nhiều nơi, nhiều lúc để giáo hóa, cứu độ chúng sinh theo hoàn cảnh, căn cơ thích hợp.
Quan niệm Đức Phật với ba thân như thế là tinh thần của giáo lý Đại thừa: Đức Phật là cao cả, tuyệt đối nhưng ta có thể hình dung được Ngài và Ngài vẫn luôn hiện diện, gần gũi để cứu độ chúng ta. Đây cũng là ý nghĩa căn bản của các kinh Vô Lượng Thọ, Diệu Pháp Liên Hoa, Đại Bát Niết-bàn…
Đặc biệt, trong Kinh Pháp Bảo Đàn, ngài Huệ Năng lại quy ba thân Phật vào chính chúng ta và dạy rằng mỗi người chúng ta vốn là ba vị Phật:
1/ Thanh tịnh Pháp thân Phật, tức Pháp thân Như Lai, rốt ráo thanh tịnh và có đầy đủ năng lực sinh ra vạn pháp;
2/ Viên mãn Báo thân Phật, tức trí tuệ Bát nhã tẩy trừ mọi tình cảm, dục vọng, và
3/ Tự tính Hóa thân Phật, tức cái tâm có thể hướng tới mọi cảnh giới, nếu hướng đến thiện thì sẽ phát sinh trí tuệ, nếu khởi từ bi thì sẽ trở thành Bồ-tát. Tâm của chúng ta vốn là Chân như, là Phật vậy.
Ngoài các kinh sách trên, ta có thể tìm thấy nhiều kinh sách khác có nói về Tam thân của Đức Phật như: Linh Quang Minh Tối Thắng Vương, Nhiếp Đại Thừa Luận Thích, Du-già Sư Địa Luận, Quán Kinh Huyền Nghĩa (Phần Truyền thông ký)…
http://tapchivanhoaphatgiao.com