Tổng luận
Đây là bộ kinh thuộc hệ Đại Thừa, đặc trưng của Đại Thừa là không quá chú trọng vào việc chấp chặc kinh điển nguyên thỉ để một mực khư khư giữ lấy nguyên thỉ, mà không hề có sự tự lập, hay sáng tạo nào mới. Như vậy dễ khiến cho giáo lý Phật, đúng hơn là tinh thần Phật giáo càng lúc càng thiếu sinh động và dễ trở nên khô cứng.
Do đó, từ khi có sự phân chia Bộ chúng, khoảng 500-600 năm sau Phật niết bàn, Đại chúng Bộ về sau gọi là Đại Thừa một mặt kế thừa và hoằng dương giáo lý căn bản của Đức Phật, mặt khác năng động trong tinh thần đoạn mê khai ngộ _ nhị không chân như _ nhằm giúp mọi người tiến thẳng đến giác ngộ bằng cách lập căn trên giáo lý nguyên thỉ của Đức Phật mà thêm vào sự kiến giải của mình qua sự tu chứng của bản thân, làm cho giáo lý Phật thêm phần sinh động và khế hợp với căn cơ con người; đồng thời mở ra một biển đại giác mênh mông giải quyết tận gốc mọi nhu cầu hiếu tri về chân như và giác ngộ.
Điểm đặc trưng và nổi bật của Đại Thừa giáo là lý tưởng Bồ tát: Độ cho hết chúng sanh, Bồ tát mới hoàn thành sứ mệnh. Còn một chúng sanh bị đọa vào địa ngục, Bồ tát thề quyết không thành Phật. (chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề, địa ngục vị không thệ bất thành Phật). Lý tưởng Bồ tát trên thực tế về mặt xã hội dường như khó trở thành hiện thực; nhưng trên bình diện cá nhân, lý tưởng Bồ tát gây phấn khích tâm lý và thôi thúc con người hướng đến sự hoàn thiện nhân cách một cách toàn bích ở mỗi một cá nhân cụ thể. Xã hội ngày nay tuy văn minh tiến bộ, nhưng sự sống của con người vẫn cứ bất ổn. Sự bất ổn một phần đến từ thiên tai như: động đất, bão, lụt, hỏa hoạn..vv… một phần lại đến từ con người như: chiến tranh, dùng vũ lực khai thác thuộc địa, dùng tài lực, trí lực bóc lột đồng loại, chế tạo đủ thứ vũ khí giết hại hàng loạt vv… Chung qui là xuất phát từ tham, sân và si. Có thể nói do tham, sân, si nên con người không thực sự thương nhau; nếu có thì đó là thứ tình thương mang nặng tính thiên vị và cục bộ. Tình thương như vậy rất dễ bị gãy đổ một khi mối quan hệ giữa người này với người kia không còn tốt đẹp. Từ nghìn xưa những bậc hiền triết ở Đông phương mỗi người đưa ra luận thuyết của mình về nhân ái. Thời Xuân Thu ở Trung Hoa có Mặc Địch, Dương Chu, Khổng Tử…vv mỗi người chủ trương mỗi thuyết. Mặc Tử thì chủ trương kiêm ái với câu nói bất hủ: “Thân nhi thân thân”. Theo Mặc Tử sự thương yêu không nên phân biệt thân, sơ; nếu được thì hãy thương yêu người ngoài gia tộc trước, sau mới đến người trong gia đình. Theo ông, người không cùng tộc họ mà ta thương yêu được mới quan trọng, mới thực sự là yêu thương, người trong gia tộc thương nhau là điều tự nhiên không cần khuyến khích, giáo dục. Dương Chu thì khác, ông cho rằng trước khi thương yêu người khác là phải biết thương yêu chính bản thân mình, ngay cả một sợi lông! Theo ông, dù là sợi lông đi nữa thì nó cũng là một đơn vị của thân thể, nên không thể không bảo vệ. Có được như vậy mới nói đến chuyện thương yêu tha nhân. Đương thời người ta cho ông chủ trương thuyết “vị kỷ”. Không Tử thì bình thản hơn, ông cho rằng cứ theo lẽ tự nhiên mà tuần tự thương yêu. Lẽ tự nhiên ấy là: con người ta ai cũng thương yêu ông bà, cha mẹ và anh chị em ruột thịt, và hãy đem tình thương ấy mà thương yêu mọi người, ý tưởng này được tóm gọn trong câu nói bất hủ của ông: “Thân thân nhi thân”. Về sau Mạnh Tử triển khai học thuyết của Không Tử và lên án thuyết vị kỷ của Dương Chu là “vô quân”, thuyết kiêm ái của Mặc Địch là: “vô phụ”. Theo Mạnh Tử, Dương Chu là người “nhổ một sợi lông để làm lợi cho thiên hạ, không nhổ”. (Dương Chu bạt nhất mao vi lợi thiên hạ, bất tác). Như vậy là cực kỳ vị kỷ và không biết gì đến đạo quân thần. Cũng theo Mạnh Tử, Mặc Địch là người không lý gì đến tình huyết nhục cha con, nên chủ trương yêu thương gồm cả mọi người, không phân biệt thân, sơ. Như thế là “vô phụ”. Phật giáo thì khác. Phật giáo không đề cập đến thương ai trước, ai sau với tinh thần vô ngã, Phật giáo thấy kẻ oán, người thân đều như nhau: “oán, thân bình đẳng”. Theo Đức Phật, kẻ oán hay người thân, họ đều là những chúng sanh chưa giác ngộ, giải thoát. Do đó họ cần được giúp đỡ, cần được chỉ bày phương tiện tu tập để đạt đến giải thoát; chứ không hạn cuộc vào nhóm người này hay nhóm người kia. Đây cũng là nguyên ủy để Đức Phật thuyết giảng kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân (ĐPTPBA)