Nhất-Xiển-Đề Không Bao Giờ Có Thể Đạt Giải Thoát Được

Nhiều kinh điển có nói rằng Đức Phật dạy mọi chúng sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật; nhưng hạng nhất-xiển-đề thì vì nghiệp chướng quá nặng nên không bao giờ có thể đạt giải thoát được. Xin được giải thích?

Th. Nh, đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, T/P Hồ Chí Minh

Phật tính (Buddhata) là thuật ngữ, là đề tài được Phật giáo Đại thừa giảng giải, triển khai rất khúc chiết, phong phú và từ đó khái niệm nhất-xiển-đề (Icchantika) được nêu ra.

Một cách khái quát, nhất-xiển-đềhạng người phạm các tội nặng nhất như giết cha mẹ, A-la-hán, làm chảy máu thân Phật, phá hòa hợp tăng, tự tuyên bố mình đã chứng quả tối thượng, hủy báng Chánh pháp… do đó mà mất hết các thiện căn, phải đọa địa ngục. Kinh Lăng Già, Pháp Hoa, Luận Đại Trang Nghiêm, Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma, Huyền Ứng Âm Nghĩa… đều có nói đến nhất-xiển-đề, nhưng Kinh Đại Bát Niết-bàn (bản Bắc) là kinh giảng về nhất-xiển-đề nhiều nhất. Theo bản dịch kinh này ra Hán ngữ của Ngài Pháp Hiển và bản dịch Tạng ngữ (người dịch khuyết danh) thì nhất-xiển-đề không bao giờ có thể đạt được giải thoát. Theo bản Hán dịch của Ngài Đàm Vô Sấm (Dharmaraksha) là bản dịch đầy đủ nhất thì ý nghĩa nhất-xiển-đề cũng khó được hiểu một cách chắc chắn.

Bản kinh khẳng định ở nhiều chỗ rằng nhất-xiển-đề không thể thành Phật được: Nhất-xiển-đề không thể chứng Vô thượng Bồ đề, như người tuổi thọ đã hết, dù gặp thầy thuốc cũng không lành bệnh được; trong nhất-xiển-đề khôngPhật tính; dù cho vô lượng chúng sinh đạt Vô thượng Chánh đẳng giác, các Đức Như Lai cũng không thấy hàng nhất-xiển-đề thành Bồ đề; Phật phóng ánh sáng, giảng Pháp thì ngạ qu, súc sinh, chúng sinh ở địa ngục khắp các cõi đều sinh làm người, làm chư thiên, ngoại trừ hàng nhất-xiển-đề; giết một con kiến thì phạm tội sát sinh, nhưng giết hạng nhất-xiển-đề thì không mang tội ấy; dù phạm bốn trọng tội, năm tội vô gián mà nghe kinh Đại Bát Niết-bàn cũng có thể sinh nhân Bồ đề, hàng nhất-xiển-đề thì không được như vậy. Ngược lại, nhiều chỗ trong kinh này lại bảo rằng hàng nhất-xiển-đề cũng có thể đạt Vô thượng Bồ đề; tất cả chúng sinh đều quyết định sẽ thành Vô thượng Bồ đề, chúng sinh dù mắc bốn tội nặng, năm tội ngũ nghịchnhất-xiển-đề đều có Phật tính; nhất-xiển-đềthể sinh căn lành, từ đó sẽ chứng được Vô thượng Bồ đề; Bồ-tát nguyện sinh trong địa ngục để thuyết pháp, giúp cho hàng nhất-xiển-đề sinh một niệm lành, nhờ đó sẽ chứng được Bồ đề; nhất-xiểnđề không có tính chất nhất định, vì thế họ có thể đạt Vô thượng Chánh giác… Những dẫn chứng vừa rồi dù rải rác, chen lẫn với các dẫn chứng trên kia, vẫn có sức thuyết phục hơn để chúng ta tin rằng nhấtxiển-đề không hề mất Phật tính, có thể phát sinh các thiện căn và có thể chứng quả vị Vô thượng.

Nhất-xiển-đề sinh ở cõi người, phạm trọng tội nên đọa địa ngục, nhưng vẫn là chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi thì vẫn có Phật tính, có khả năng đạt Đại giải thoát. Phật giáo không hề có quan niệm địa ngục là vĩnh viễn không thoát ra được. Bởi thế mà Kinh Lăng Già khẳng định rằng nhất-xiển-đềthể nhờ thần lực Đại từ bi của Đức Phật mà được cảm hóa, được cứu độ. Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy rằng Đề-bà-đạt-đa dù phạm các trọng tội, đúng là một nhất-xiển-đề, trong tương lai sẽ thành Phật, hiệu là Thiên Vương Như Lai. Kinh điển bảo rằng chư Bồ-tát (có biệt danhnhất-xiển-đề) vì có đại nguyện không nhập Niết-bàn chừng nào chưa cứu độ hết thảy chúng sinh (trong đó có hàng nhất-xiểnđề đang thọ khổ trong địa ngục) khỏi cảnh giới luân hồi.

Tóm lại, chúng ta nên hiểu nhất-xiển-đề chỉ là một mẫu thức ước lệ để cảnh cáo, thức tỉnh, khuyến tu, ăn năn hối cải khi người ta phạm điều sai ác. Điều căn bản vẫn là: Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính, dù đang chịu lắm khổ đau, dù lỡ phạm điều ác, nhưng biết hối cải, biết nỗ lực tu tập thì sẽ gặp thiện duyên, tâm thức tinh tấn phát triển và trong tương lai nhất định sẽ đạt quả vị Vô thượng Bồ đề.

http://tapchivanhoaphatgiao.com