TỰA QUY KỈNH稽 首 唯 識 性
滿 分 清 淨 者
我 今 釋 彼 說
利 樂 諸 有 情
Kính lạy Đấng thanh tịnh viên mãn,[1]
Và đấng thanh tịnh từng phần[2] trong Duy thức tánh.[3]
Tôi[4] nay giải thích giáo thuyết của vị ấy,[5]
Vì lợi ích và an lạc của các hữu tình.
Luận (Duy thức tam thập tụng) này được viết với mục đích khiếncho những ai có sự mê lầm ở trong hai Không[6] mà phát sinh nhận thức chân chính. Do nhận thức chân chính mà hai trọng chướng[7] được đoạn trừ. Bởi vì, do chấp ngã và chấp pháp mà hai chướng cùng phát sinh. Nếu chứng hai Không, các chướng ấy tùy theo đó mà bị đoạn trừ. Do đoạn trừ các chướng mà đắc hai quả vị thù thắng. Do đoạn phiền não chướng vốn dẫn đến tái sinh[8] mà chứng chân giải thoát.[9] Do đoạn sở tri chướng vốn cản ngại nhận thức mà đắc đại bồ-đề.
Lại nữa, vì để khai thị cho những ai mê mờ Duy thức nhầm lẫn chấp ngã và chấp pháp, khiến cho có tri kiến như thực đối với Duy thức.
Hoặc có người mê nhầm lý Duy thức;[10] hoặc chấp ngoại cảnh không phải là vô thể, như thức;[11] hoặc chấp nội thức không phải hữu thể, như cảnh;[12] hoặc chấp các thức có dụng sai biệt nhưng thể đồng nhất;[13] hoặc chấp lìa tâm không có tâm sở riêng biệt.[14] Vì để bác bỏ những chấp trước sai biệt ấy khiến cho có được nhận thức như thực ở trong lý thâm diệu của Duy thức, do đó luận này được viết.
[1] Xu yếu (p613b29): Mãn tịnh, và phần tịnh, (danh từ) biến cách thứ tư (sở dữ cách, làm túc từ gián tiếp), chỉ đối tượng kính lễ. [2] Phần thanh tịnh, Thuật ký (p233a3): “Thế Thân tuy chưa lên hàng Thập địa, nhưng đã có tín giải quyết định trong Duy thức tánh; tuy chưa chứng Chân, nhưng tuỳ thuận tu tập mà từng phần sở đắc, do đó được xưng tụng là Phần thanh tịnh.” [3] Xu yếu (p613b27): “Duy thức tánh, (danh từ) biến cách thứ 7 (sở y cách, chỉ vị trí), chỉ sở ư chứ không phải sở y.” Theo đó, nên hiểu là “Ở trong Duy thức tánh.” Skt. vijñaptimātratāyām. [4] Thuật ký (p233c13): chỉ bản thân An Huệ. Tức bài tụng quy kỉnh này do An Huệ. Ấn bản Sanskrit (Sylvain Lévi) và bản Tạng ngữ (Enga Teramoto) đều không thấy bài tựa này. [5] Bĩ thuyết, Thuật ký (p233c23), chỉ Duy thức tam thập tụng của Thế Thân. [6] Hai Không, chỉ sinh không (hay nhân không, Skt. pudgala-śūnyatā) và pháp không (dharma-śūnyatā). Sthiramati: pudgala-nairātmya (nhân vô ngã) và dharma-nairātmya (pháp vô ngã). [7] Hai trọng chướng (Skt. āvaraṇa-dvaya), chỉ phiền não chướng (kleśa-āvaraṇa) và sở tri chướng (jñeya-āvaraṇa). [8] Tục sinh phiền não; Du-già 59 (629c14): “Nên biết, hết thảy phiền não đều là chuỗi nối kết các đời sống (kết sinh tương tục; Skt. pratisandhi-bandha). [9] Thuật ký (p235c5): Giải thoát, Tây vực phạn âm nói ba-lị-nặc-phược-nẫm; tức Skt. parinirvāṇam, bát-niết-bàn, niết-bàn viên diệu, hay viên mãn tịch diệt. [10] Thuật ký (p236b17), Thanh Biện nói, theo thế đế, tâm và cảnh đều có; y thắng nghĩa, tâm và cảnh đều không. [11] ibid., quan điểm của Hữu bộ. [12] ibid., lập trường của Thanh Biện và các nhà Trung quán. [13] ibid., một bộ phận Đại thừa. Nhiếp Đại thừa 4 (T31n1579, tr. 3392c21): có một hạng Bồ tát quan niệm chỉ có một ý thức thể. [14] ibid., quan điểm của Kinh bộ hay Thí dụ luận giả (Chánh lý 11, tr. 395a1), và Giác Thiên. (cf. Tì-bà-sa 142, tr. 730b26).