Hòa Thượng Thích Đạt Thanh (1853-1973)

Hòa thượng Thích Đạt Thanh, pháp hiệu là Như Bửu, tục danh là Võ Minh Thông, sau đổi là Võ Bửu Đạt, sinh năm Quý Sửu (1853), triều Tự Đức năm thứ 6, tại làng Tân Thới Tây, tổng Bình Thạnh Hạ, huyện Bình Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay là xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh.

Ngài sinh trong một gia đình trung lưu Nho học, kính tin Tam bảo. Thân sinh của Ngài là cụ ông Võ Văn Kiển, pháp danh Thiện Tim, thân mẫu là cụ bà Hà Thị Tông, pháp danh Diệu Nho. Ngài có 7 anh em trai. Người anh cả là ông Võ Văn Bường, một liệt sĩ cách mạng, bị thực dân Pháp sát hại trong cuộc kháng chiến năm 1947 tại quê nhà. Các em của Ngài có 2 người xuất gia. Một vị làm trụ trì chùa Phước Tường ở Thủ Đức, một vị làm trụ trì chùa Long Thạnh ở Bà Hom.

Ngày chào đời của Ngài có một đàn bồ câu không biết từ đâu bay đến đậu chật kín cả nóc nhà nhảy nhót, gù gáy hoan hỷ. Thân phụ cho đó là điềm lành, thiết bàn thờ giữa sân cúng tạ trời đất và cầu cho Ngài được mọi sự an lạc. Kể từ đó song thân Ngài phát nguyện trường trai, thực hiện hạnh bố thí, thiết lập bàn thờ Phật trong nhà, hằng đêm tụng kinh trì chú.

Vốn là một nhà nho uyên thâm, thân phụ Ngài hết lòng dạy bảo. Sẵn có tư chất thông minh lại chăm chỉ học hành, nên chẳng bao lâu Ngài học hết và thông hiểu nghĩa lý các sách Minh Tâm, Tứ Thư, Ngũ Kinh. . . . vùng Bà Điểm là lò dạy võ, nên Ngài cũng được theo học võ, tài nghệ được xếp hàng đầu trong số thanh niên biết võ của liên xã. Tuy văn võ vào hàng ưu tú như thế, nhưng Ngài luôn khiêm nhường không kiêu căng ngạo mạn. Hàng ngày ngoài việc học hành, giúp đỡ cha mẹ các việc trong nhà, Ngài thường xuyên chăm lo nhang đèn nơi bàn thờ Phật.

Năm lên 12 tuổi, Ngài theo song thân đi lễ Phật ở chùa Linh Nguyên làng Đức Hòa, hôm đó, nhân vía Địa Tạng Bồ tát, chùa tổ chức lễ cầu siêu Bạt tiến rất long trọng. Đàn tràng uy nghi Tăng Ni, Phật tử các nơi quy về dự lễ rất đông. Ngài và song thân ở lại suốt ba ngày đêm, tham dự các khóa lễ. Khi ra về, Ngài luôn mang theo hình ảnh trang nghiêm, thanh tịnh giải thoát của chốn thiền môn những ngày qua. Một tháng sau, Ngài xin phép song thân cho được xuất gia tại chùa Linh Nguyên như nguyện ước trong thâm tâm.

Điều mong ước ấy không mấy khó khăn, vì song thân Ngài cũng đã có ý hướng để Ngài xuất gia cho hợp với điềm lành khi Ngài chào đời và phù hợp bản tính nhân từ, đôn hậu bẩm sinh của Ngài. Sau đó, Ngài được song thân đưa tới chùa Linh Nguyên, cầu xin Tổ Minh Phương – Chơn Hương thâu nhận làm đệ tử.

Trải hai năm chuyên cần tu học, Ngài đã thông suốt các nghi thức thiền môn. Tổ Minh Phương thấy ở Ngài có túc căn tài trí, không thể chỉ học đến như thế là đủ, nên dẫn Ngài đến chùa Giác Lâm là ngôi cổ tự lâu đời để học thêm kinh điển dưới sự giáo huấn của Tổ Minh Vi – Mật Hạnh. Trải qua 6 năm học tập tại đây, Ngài được xếp vào diện hạng ưu, thì vừa lúc Bổn sư của Ngài là Tổ Minh Phương viên tịch (1877).

Sau khi về thọ tang Bổn sư, Ngài trở lại chùa Giác Lâm tu học. Vào thời điểm đó, khoa nghi ứng phú đạo tràng rất thịnh hành ở đây. Tăng chúng phải tham gia các “đám cúng” mất nhiều thì giờ, không còn rảnh rang để nghiên cứu kinh điển. Vì vậy, Ngài xin qua chùa Giác Viên để tu học đúng theo sở nguyện. Tại đây, Ngài được sự tận tâm dạy bảo của các vị giáo thọ như Tổ Hoằng Ân-Minh Khiêm, Như Nhãn-Từ Phong… Sẵn tư chất thông minh, làu thông nho học, lại gặp được thầy giỏi, nên Ngài sớm trở thành một danh Tăng đương thời.

Năm 1879, Ngài được tứ chúng Tổ đình Linh Nguyên công cử kế vị trụ trì, thay tổ Minh Phương – Chơn Hương đã viên tịch.

Sau khi Ngài xuất gia, song thân Ngài cải tạo ngôi nhà từ đường thành một ngôi Tam bảo, mở rộng cửa cho Phật tử quanh vùng đến tụng kinh lễ Phật. Đến năm 1919, thân phụ Ngài qua đời, Ngài giao nhiệm vụ trụ trì chùa Linh Nguyên lại cho Ngài Như Đạt – Thiên Cang (huynh đệ đồng sư với Ngài) rồi trở về lo việc cư tang báo hiếu, đồng thời trùng tu lại ngôi chùa do song thân lập ra. Năm 1921, việc trùng tu xây dựng ngôi chùa đã xong, Ngài tổ chức lễ khánh thành, có đông đảo tín đồ và chư Sơn đến dự. Trong buổi lễ trang trọng này, ngôi chùa được Tổ Như Nhãn – Từ Phong đặt tên hiệu là Long Quang Tự. Đặc biệt trong dịp lễ khánh thành và đặt tên chùa, nông dân trong vùng đào ao, phát hiện một pho tượng Phật bằng đá không rõ có từ niên đại nào. Họ thỉnh đến chùa giao cho Ngài thờ phụng, Ngài tôn trí pho tượng nơi bàn Tổ lưu giữ cho đến nay.

Vào đầu thập niên 1920 tổ chức Thiên Địa Hội, một tổ chức yêu nước của những người dân yêu nước ở Nam kỳ hoạt động khắp nơi. Mạnh nhất là vùng Đức Hòa – Hóc Môn – Chợ Lớn. Trong số những người tham gia tổ chức này có nhiều Tăng sĩ như : Sư Lồng (Huỳnh Văn Lồng); Sư Đời; Sư Nhàn; Sư Hạp ở Đức Hòa; Sư Phát Ấn; Thiện Tòng; Thành Đạo v.v… ở vùng Chợ Lớn – Gia Định và trong đó có Ngài (gia nhập năm 1926). Sau một thời gian hoạt động, tổ chức Thiên Địa Hội bị thực dân Pháp đàn áp, nhiều hội viên bị bắt và đày Côn Đảo, Ngài cũng chịu chung số phận.

Gần 4 năm trời, Ngài sống cuộc sống lao tù khổ sai trên hải đảo, nhưng vẫn giữ phong cách của vị tu hành, ăn cơm với muối, bận áo nâu sồng. Năm cuối cùng Ngài được đi lên rừng đốn củi, đốt than. Tại nơi làm việc, Ngài kết thân với một số bạn tù, tổ chức kết bè vượt ngục. Sau thời gian 2 tháng, bè đã kết xong. Ngài cùng một số bạn tù gồm 7 người lên bè ra khơi trong đêm tối.

Trong ngày đầu trời tốt, thuận gió, bè lướt nhanh. Khi trông thấy ánh sáng mặt trời xuất hiện ở phương Đông thì bè cũng đã rời xa Côn Đảo. Nhưng nỗi vui mừng chưa qua đi, sự lo âu đã cận kề. Một trận cuồng phong từ phương Đông thổi tới. Chiếc bè gập ghềnh, chao đảo trên những ngọn sóng kinh hồn. Chiếc bè bị đứt làm đôi, phía kia có 4 người ngồi trên đó, chỉ qua vài đợt sóng, mảng bè đã bị xé nát, 4 người lần lần mất dần trong sóng nước.

Đương lúc thập tử nhất sinh, trên nửa bè kia có Ngài và hai người nữa tưởng chỉ còn chờ đến phiên mình làm mồi cho cá. Hai người kia nhắm mắt chờ chết. Riêng Ngài vẫn ngồi xếp bằng, hai tay níu chặt thân bè để sóng khỏi hắt xuống nước, miệng trì niệm tâm kinh. Giây phút trôi qua, gió lặng sóng yên, trời quang mây tạnh, chiếc bè lặng lẽ trôi đi theo làn gió nhẹ.

Ba ngày hai đêm, bè bồng bềnh trên mặt biển, chung quanh là trời nước mênh mông, chẳng thấy đâu là bờ. Ba người ngồi trên bè chỉ còn biết phó thác cho duyên nghiệp. Bỗng từ xa một chiếc thuyền buôn xuất hiện, căng buồm rẽ sóng lướt về phía chiếc bè.

Sự vui mừng xen lẫn lo âu, mừng vui vì sắp được cứu sống nếu gặp người tốt bụng. Lo âu nếu gặp quân lính hay kẻ tham danh vọng bắt đem nạp cho nhà chức trách. Nhưng dù sao thì cũng phải lên thuyền. Những người làm trên thuyền bu quanh ba người hỏi chuyện. Bỗng từ sau buồng lái một người xăm xăm bước tới, mọi người dang ra. Người ấy nhìn chăm chú vào Ngài rồi cất tiếng hỏi :

– Có phải ông là nhà sư chăng ?
– Thưa phải. Ngài đáp.

Nghe đáp thế, người kia chắp tay xá, rồi mời Ngài vào trong khoang hàn huyên tâm sự. Người ấy chính là một thương gia tên là Lê Trung Cận, quê Quảng Ngãi vào lập nghiệp ở Rạch Giá. Ông Cận là một Phật tử thuần thành, bàn thờ Phật tại nhà ông không khác gì một “tiểu già lam”. Ông hết lòng cung phụng vào bảo bọc cho Ngài được an tâm trong thời gian lưu trú trong nhà ông. Đối lại, Ngài cũng đem trình độ hiểu biết sâu rộng về Phật pháp ra truyền đạt cho ông. Từ đó ông coi Ngài như bậc sư phụ và tìm cách hợp thức hóa cái tên giả Võ Bửu Đạt thay cho tên thật Võ Minh Thông để che mắt nhà cầm quyền Pháp.

Không dám trở về chùa cũ và quê xưa, với tấm căn cước mang tên Võ Bửu Đạt, suốt gần mười năm trời, Ngài đi khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ – tới đâu Ngài cũng đem giáo pháp của đức Như Lai ra truyền dạy cho Phật tử, và có lúc Ngài cũng phải sử dụng môn Khoa Nghi ứng phú đạo tràng để làm phương tiện hoằng hóa chúng sinh và thu phục nhân tâm. Trên bước đường vân du, có một thời gian Ngài dừng chân tá túc ở chùa Châu Long ở Châu Đốc. Ngôi chùa này do Ngài Như Hiếu – Thuần Hạnh sáng lập. Nơi đây chúng Tăng biết Ngài thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đồng tông phái, nên Ngài được tiếp đón như hàng tôn túc.

Năm 1949, cái án tù vượt ngục không còn ngăn cản sự tự do hành đạo của Ngài nữa, Ngài mới chính thức trở lại Sài Gòn, nhưng chưa an trụ một nơi nào, khi thì ở chùa Trường Thạnh, chùa Tịnh Độ, chùa Giác Hải, khi thì ở chùa Giác Viên, Giác Lâm, Bình Hòa, Chưởng Thánh, Long Phước, Sùng Đức v.v… Đến cuối năm đó, mến mộ tài đức đạo hạnh của Ngài, thầy Trí Hữu (tức Đội Hữu) thỉnh Ngài về trụ trì chùa Giác Ngộ tại ngã sáu Vườn Lài.

Qua năm sau, 1950 Ngài chính thức mở trường Kỳ tại chùa Giác Ngộ do Ngài làm Đường đầu Hòa thượng. Năm 1951, Giáo hội Tăng Già Nam Việt được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh, Ngài được suy tôn ngôi vị Pháp chủ. Từ đó, giới Tăng già cũng như Cư sĩ tôn kính Ngài là một trong các bậc cao Tăng của miền Nam. Khắp các chùa trong lục tỉnh mỗi khi có thiết đại lễ đều thỉnh Ngài đến chứng minh.

Sau thời gian ba năm phục vụ cho Giáo hội, nhận thấy tuổi già sức yếu, nên tại Đại hội Giáo hội họp ngày 08-3-1953, Ngài xin cáo lui, trao ngôi vị Pháp chủ cho Hòa thượng Huệ Quang. Ngài trở về chùa Long Quang ở Xuân Thới Thượng an dưỡng, nhưng vẫn là bậc Chứng minh Đạo sư của Giáo hội Tăng Già Việt Nam, của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam.

Từ khi Ngài bị bắt tù đày Côn Đảo, ngôi chùa Long Quang trong tình trạng hoang phế, có lúc thực dân Pháp dùng làm nơi đóng đồn bót để đàn áp lực lượng kháng chiến. Sau hiệp định Genève 1954, người Pháp rút khỏi miền Nam, họ mới chịu trả chùa lại cho nguyên chủ. Sau khi thôi giữ ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Tăng Già Nam Việt, lưu về đây an dưỡng, Ngài bắt tay vào công việc trùng tu, đến năm 1956 mới hoàn thành. Cảnh chùa lại tấp nập, đông vui hơn ngày xưa. 

Ngài về đây an dưỡng chưa được bao lâu thì cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam lại bùng nổ. Vùng Bà Điểm, Hóc Môn là căn cứ cách mạng, bom đạn của địch trút xuống ngày càng ác liệt. Lại một lần nữa Ngài phải xa chùa, lánh cư nơi khác. Năm 1956, có Phật tử tên là Phạm Thị Phương, chủ nhà in Văn Hóa ở Sài Gòn, phát tâm xây dựng một ngôi chùa tại Bình Trị, cạnh Phú Lâm lấy hiệu là Long Nguyên, thỉnh Ngài về an trụ. Ngài luôn được các đệ tử trụ trì các nơi cung thỉnh về chùa mình để phụng dưỡng cho đến hết năm 1972.

Đầu năm 1973, sức khỏe của Ngài thực sự suy kém, mặc dầu tinh thần vẫn sáng suốt, Ngài được các đệ tử đưa từ chùa Chưởng Thánh về chùa Long Quang ở Bà Điểm. Sáng mồng 1 Tết Quý Sửu, Ngài được dìu lên chánh điện lễ Phật, lễ Tổ. Sau đó, Ngài bảo kê chiếc đơn cạnh bàn thờ Tổ cho Ngài nằm. Suốt 11 ngày, Ngài chỉ uống nước. Đến sáng ngày 11, Ngài bảo nấu nước các hoa thơm để tắm rửa và bảo Sa di Thiện Hạnh đi báo cho các đệ tử của Ngài từ các nơi như Biên Hòa, Thủ Đức, Tây Ninh, Long An, Định Tường và Sài Gòn về gặp Ngài trong ngày 12 Âm lịch.

Đúng 12 giờ, mọi người đã tề tựu đông đủ, Ngài bảo đỡ dậy ngồi tựa lưng vào bàn thờ Tổ, dùng pháp âm ngõ lời trước đông đảo môn nhơn về luật vô thường, không có gì phải bi thống. Đoạn Ngài đọc một bài kệ 8 câu cho đệ tử ghi chép (rất tiếc lâu ngày bài kệ này đã bị thất lạc). Sau đó, Ngài bảo tất cả mọi người lên chánh điện tọa thiền nhập từ bi quán để chư Phật tiếp dẫn giác linh Ngài.

Đến 15 giờ 30, Ngài bảo đánh trống Bát Nhã đến khi nào Ngài bảo thôi mới thôi. Đến 16 giờ, Ngài an nhiên thị tịch trên tay vẫn nắm chặt xâu chuỗi Thập Bát. Ngài thọ được 120 tuổi đời, 99 Hạ lạp. Môn nhơn pháp quyến, môn đồ tứ chúng vô cùng thương tiếc, nhưng nhớ lời Ngài đã di huấn, nên đều không dám để rơi nước mắt. Kim quan của Ngài được quàn tại chùa Long Quang 5 ngày. Sau đó, đi đến chùa Trường Thạnh lưu 5 ngày. Đến ngày 22 tháng Giêng Âm lịch lại quy hoàn chùa Long Quang làm lễ nhập tháp.

Sinh thời, Ngài sáng tác, phiên dịch rất nhiều kinh sách, phần lớn bị thất lạc hoặc mối mọt làm hư hao. Nay chỉ còn lại một bộ Lục Vân Tiên tân truyện viết bằng chữ Nôm, một bộ Du Đà Đại Khoa, một bộ Vu Lan Thích Nghĩa. Tất cả đều lưu trữ tại chùa Long Quang, Bà Điểm.

Cuộc đời của Hòa thượng là một tấm gương trí dũng của người con Phật, làm nên công đức cho sự nghiệp thống nhất Phật giáo nước nhà trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam. Hành trình hoằng pháp lợi sanh của Ngài suốt trên một thế k quả là ít có ai sánh được. Ngài đã để lại sự kính ngưỡng muôn thuở cho hàng hậu bối tôn vinh học tập.