Hòa Thượng Thích Giác Nguyên (1877-1980)

Hòa thượng Thích Giác Nguyên, pháp danh Trừng Văn, pháp tự Chế Ngộ, pháp hiệu Giác Nguyên. Ngài thế danh Đặng Văn Ngộ, sinh năm Đinh Sửu (1877) tại làng Phủ Trung, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, thân phụ là cụ ông Đặng Văn Gần, thân mẫu là cụ bà Cù Thị Tộ thuộc gia đình nhân đức hiền lương.

Ngài sinh ra trong một gia đình đạo đức truyền thống lâu đời. Năm lên 6 tuổi đã mồ côi cha mẹ, Ngài phải nương tựa dưỡng phụ là một vị quan Thái giám thời bấy giờ tên là Nguyễn Đình Huề (Hữu).

Lúc còn nhỏ, Ngài thường theo dưỡng phụ lên chùa Từ Hiếu, một nơi tự hương hỏa của các vị Thái giám triều đình, để thắp hương, lễ Phật. Như có duyên lành từ nhiều kiếp, Ngài cảm thấy mến mộ cảnh thiền môn, và xin phép dưỡng phụ được xuất gia học đạo. Dưỡng phụ Ngài vui lòng chấp thuận và tích cực hỗ trợ cả tinh thần vật chất cho Ngài trên bước đường tu học.

Mùa xuân năm Tân Mão (1891), Ngài xin thế độ xuất gia với Hòa thượng Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu. Sau 5 năm học đạo, năm Bính Thân (1896), Ngài chính thức được Hòa thượng Tâm Tịnh hứa khả làm trưởng tử và được thọ giới Sa di với pháp danh Trừng Văn, tự Chí Ngộ. Những pháp đệ của Ngài là quý Hòa thượng Giác Viên; Giác Tiên; Giác Nhiên (đệ nhị Tăng Thống giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất); Giác Hạnh; Giác Hải; Giác Bổn; Giác Thanh (Hòa thượng Đôn Hậu).

Năm Quý Mão (1903), Hòa thượng Tâm Tịnh nhường chùa Từ Hiếu lại cho môn phái, Ngài theo Bổn sư đến lập thảo lư mang tên Thiếu Lâm Am trên ngọn đồi phía Nam – đàn Nam Giao thuộc thôn Thuận Hòa, xã Thủy Xuân để tịnh tu đạo nghiệp.

Năm Canh Tuất (1910), Ngài thọ Cụ túc giới tại Giới đàn chùa Phước Lâm ở Hội An do Tổ Vĩnh Gia làm Đường đầu Hòa thượng, được đắc pháp lúc 33 tuổi hiệu là Giác Nguyên. Tăng chúng đương thời đã suy tôn Ngài làm Thủ tọa chùa Tây Thiên, đến khi Hòa thượng Tâm Tịnh viên tịch, Ngài được kế thừa chức trụ trì để hưng long Phật pháp và hướng dẫn đồ chúng. Với trách nhiệm mới, Ngài luôn luôn cần mẫn, giới đức tinh nghiêm làm gương mẫu trong đại chúng.

Năm Ất Sửu (1925) do đức độ và uy tín của Ngài mỗi lúc thêm cao, cảm hóa được trên từ vua, quan; đến hàng bao tín đồ Phật tử. Tất cả đã hỗ trợ Ngài xây dựng ngôi thảo am thành một ngôi chùa trang nghiêm “Tây Thiên Tự” để hoằng dương đạo pháp. Năm sau, được sự yểm trợ của nhà vua, Ngài xây dựng và an vị tượng đức Phật A Di Đà uy nghi lộng lẫy. Đến đầu niên hiệu Bảo Đại (1926), chùa được ban hiệu là Sắc tứ Tây Thiên Di Đà Tự.

Trên bước đường tu tập, Ngài nổi tiếng là bậc giới đức thanh tịnh, bình dị, khiêm cung và không xao lãng việc giáo hóa độ sanh.

Năm Canh Ngọ (1930), với mục đích đào tạo Tăng tài, truyền thừa Tổ ấn mai sau, Ngài cùng với một số tôn túc, pháp hữu cùng chung chí hướng thiết lập trường Cao đẳng Phật học tại chùa Tây Thiên và cung thỉnh Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp – Bình Định làm Thượng thủ Giáo thọ. Những vị được đào tạo tại đây sau này đều trở thành trụ cột của Giáo hội như Hòa thượng Bích Phong, Đôn Hậu, Trí Thủ, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Thể, Thiện Trí… đều ở trong hàng lãnh đạo Phật giáo Việt Nam.

Là một trụ trì của Tổ đình, Ngài luôn luôn nêu cao tấm gương đạo hạnh sách tấn hàng Tăng Ni, Phật tử noi theo. Tuy Ngài là vị có vốn học chưa thể so với các bậc đồng tu khác, nhưng lạitrí tuệ minh mẫn, và công phu chuyên trì giới định nghiêm mật. Hàng năm, ngoài ba tháng hạ an cư, Ngài còn kiết Thất tu niệm trong những tháng Thu Đông. Từ năm K Sửu (1949) đến năm Giáp Ngọ (1954), Ngài phát nguyện liên tục lễ báiHồng danh Vạn Phật” và trì tụng Tam Bảo kinh, mặc dù lúc ấy tuổi Ngài quá thất tuần.

Năm Quý Mão (1963) và năm Bính Ngọ (1966), Ngài đã cùng các vị cao Tăng xuống đường tuyệt thực để hướng dẫn cuộc đấu tranh bất bạo động chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo của gia đình nhà Ngô và các chánh quyền kế tiếp. Ngoài ra, Ngài còn làm Giới sư, Chứng minh sư trong các Đại giới đàn cũng như các đại hội Phật giáo toàn quốc tại Sài Gòn lúc bấy giờ.

Phật Đản năm Đinh mùi (1967), Ngài đứng ra lập Tịnh nghiệp đạo tràng Tây Thiên, với sự hỗ trợ và chấp thuận của Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên và miền Vạn Hạnh.

Mặc dù tuổi già sức yếu, hàng ngày Ngài vẫn tinh tấn tu hành, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tấn tu huệ học. Các đệ tử của Ngài như Hòa thượng Thích Thiện H, Nhật Liên, Thiện Châu đều là những bậc pháp khí Đại thừa, hiển dương chánh pháp cho đến ngày nay. Đối với tín đồ, Ngài ân cần chỉ bảo thực hành pháp môn trì danh niệm Phật để được vãng sanh tịnh độ.

Đệ tử của Ngài nhiều lần định tổ chức lễ thượng thọ để báo đáp công ơn dạy dỗ trong muôn một, nhưng Ngài đều từ chối và bảo “Hãy dùng số tịnh tài ấy để đúc tượng, sửa chùa, bố thí cho những người nghèo khổ”.

Cuộc đời Ngài cho đến lúc trăm tuổi, không lúc nào không nghĩ đến việc tu hành và lợi lạc quần sanh. Nếp sống giản dị khiêm tốn, tâm hồn trong sáng thanh cao, khiến khắp nơi từ lãnh đạo Giáo hội, các bậc tôn túc Trưởng lão cùng thời, đến hàng tứ chúng môn đồ ai ai cũng đều cảm kích, tôn phục.

Ngày mồng một tháng Giêng năm Canh Thân, tức ngày 16 tháng 2 năm 1980, nhằm ngày đầu năm Tết Nguyên Đán, vào lúc 01 giờ sáng, Ngài đã an nhiên thị tịch, đi về cảnh Phật. Ngài trụ thế 103 tuổi, giới lạp 70 tuổi Hạ.

Hòa thượng Thích Giác Nguyên, sau hơn một thế k làm bậc “xuất trần Thượng sĩ” với sự nghiệp hoằng dương chánh pháp và phục vụ nhân sinh to lớn. Một bậc chân tu đạo hạnh, một bậc tôn sư từ ái, thường che chở, sách tấn Tăng Ni, Phật tử trên bước đường tu học, vẫn luôn được kính ngưỡng trong lòng mọi người giữa chốn Tùng lâm Phật địa.