Hòa Thượng Thích Quảng Ân (1891-1974)

Hòa thượng Thích Quảng Ân, pháp húy Nguyên Đồ, pháp hiệu Quảng Ân ( ), nối đời thứ 44 dòng Lâm Tế Chánh Tông, thế danh Lê Văn Bảy, sinh năm 1891 (Tân Mão) tại xã Mỹ Phước, quận Bến Tranh, tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang).

Thân phụ Ngài là cụ Lê Văn Chung, một nhà nho uyên thâm, tinh tường cả Nho, Y, Bốc, Số; Thân mẫu Ngài là bà Nguyễn Thị Thiệt, một người nhân từ mộ đạo. Ngài là con út trong một gia đình đông con. Thuở nhỏ Ngài được phụ thân cho theo Nho học, vốn thông minh, hiếu học lại được cha rèn cặp nên mới 12 tuổi, Ngài đã làu thông Tứ thư, Ngũ kinh.

Năm 13 tuổi (1903), nhân một lần chứng kiến cái chết của người chị dâu, Ngài cứ băn khoăn, thao thức: “Tại sao người ta lại phải chết”. Hình ảnh người chị nằm bất động, chung quanh là những tiếng than khóc não nề, cùng câu hỏi ấy cứ dấy lên ám ảnh tâm trí Ngài. May sao về dự tang lễ có thầy Thiện Trung, một người anh của Ngài đã xuất gia ở chùa Khánh Quới. Ngài đem ý nghĩ của mình ra thưa hỏi, thầy Thiện Trung giảng giảisanh tử vô thường của kiếp người cho Ngài rõ. Sau khi nhận thức được rằng thế gian chỉ là huyễn mộng, kiếp người vốn dĩ khổ đau, muốn thoát ra khỏi vòng luân hồi triền miên đó, chỉ có một con đường là tu Phật.

Từ đấy ý tưởng xuất gia nhen nhúm trong Ngài. Sau bao đêm nung nấu, cuối cùng Ngài đem tâm nguyện của mình thưa cùng thân mẫu. Biết được ý con, bà không muốn rời xa người con út. Thế nhưng chí nguyện đã quyết ngay trong năm này (1903), dưới sự hướng dẫn, giới thiệu của thầy Thiện Trung, Ngài đã đến chùa Khánh Quới (Cai Lậy), cầu xin xuất gia với Hòa thượng Phước Chí (húy Tâm Ba – còn gọi là Tổ Tâm Bờ). Được Hòa thượng thu nhận làm đệ tử và cho pháp danhThiện Chiên. Thế là từ đây Ngài theo hầu hạ và học tập đạo lý với Tổ Tâm Bờ, Hòa thượng thấy Ngài tuổi trẻ mà ý chí vững vàng, đạo hạnh siêng năng, mẫn tiệp nên hết lòng thương yêu dạy bảo.

Năm 1904 (Giáp Thìn), tháng 3, một trận cuồng phong thổi đến, cây cối nghiêng ngả, nhà cửa sập đổ, tróc nóc, duy chùa vẫn được bình an. Đêm rằm tháng Tư, Hòa thượng khai trường Hương, dẫn đến ngày hưu Hạ, lại mở trường Kỳ, lập đàn truyền giới. Thấy Ngài mới xuất gia nhưng học hành kiêm ưu, chí nguyện vững vàng nên Hòa thượng cho Ngài thọ giới Sa di.

Đàn truyền giới vừa xong, kế đến tháng 10, Hòa thượng Tâm Bờ họp chúng, cử thầy Trí Ân lên thay làm trụ trì, rồi Hòa thượng giã từ môn nhơn, lên núi Trà Sư ẩn tu.

Năm 1905 (Ất Tỵ), Hòa thượng Phước Chí viên tịch trên núi Trà Sư. Hay tin, Ngài vô cùng buồn khổ, kế mẹ già lại tha thiết yêu cầu Ngài trở về nhà để mẹ con sớm hôm được đoàn tụ, thương mẹ nên Ngài không nỡ từ chối. Thế nhưng về nhà được ít lâu, Ngài lâm trọng bệnh thuốc thang bao nhiêu cũng vô hiệu, cả nhà đang cơn tuyệt vọng, thì Ngài nằm mộng thấy Hòa thượng Tổ bảo phải trở vào chùa tu niệm. Biết túc duyên của con với Tam bảo sâu dày nên mẹ Ngài phát nguyện cho Ngài tiếp tục tòng Sư tu Phật. từ đó không cần thuốc thang mà bệnh cứ thuyên giảm dần, hết bệnh Ngài trở về chùa, được thầy trụ trì Trí Ân giao cho chức vụ Thư .

Tháng 7 năm 1907 (Đinh Mùi), Hòa thượng Thanh Ẩn, trụ trì chùa Sắc tứ Từ Ân (Chợ Lớn), khai gia giáo dạy kinh luật Đại thừa. Ngài xin phép thầy trụ trì và đại chúng để lên tham dự khóa học. Ngài đã nhập chúng tu học ở đây cho đến khi mãn khóa.

Tháng 4 năm 1909 (K Dậu), Ngài cùng sư huynh là Hòa thượng Thiện Tòng đến an cư kiết Hạ tại chùa Sùng Đức (Chợ Lớn). Sau lại đến chùa Linh Nguyên của Hòa thượng Chơn Hương nghe kinh Kim Cang Chư Gia. Trong suốt sáu năm trời viễn du tham học (1909 – 1912), không một trường Hương một lớp gia giáo nào mà Ngài vắng mặt. Vì vậy đạo hạnh Ngài mỗi lúc một tinh nghiêm, Phật học ngày càng thêm sâu rộng.

Năm 1912 (Nhâm Tý), lúc bấy giờ Ngài đã được 22 tuổi, chú Ngài là cụ Từ Hòa, cùng với các vị hương chức làng thỉnh Ngài về trụ trì chùa Linh Phước (chùa Phật Đá) ở thôn Bà Bèo. Đây là một ngôi chùa cổ có từ thời vua Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1772), do các mục đồng dựng lên. Trải một thời gian không người trông coi nên chùa bị hoang phế. Năm 1897, Hương chức làng thỉnh cụ Từ Hòa về ở để giữ gìn, hương khói cho chùa và cụ Từ Hòa đã ở đây cho đến lúc Ngài về đảm nhiệm chức vụ trụ trì.

Năm 1914 (Giáp Dần), Ngài thọ giới Tỳ kheo tại trường Kỳ chùa Khánh Đức, kế sau được suy tôn làm Giáo Thọ. Năm 1915 (Ất Mão), Ngài cho trùng tu lại ngôi chánh điện chùa Linh Phước.

Năm 1917 (Đinh Tỵ), Sở Trường Tiền cho xáng múc kinh Bà Bèo quá gần vuông chùa, nên Ngài họp bổn đạo cho dời chùa đến một khu đất hoang, cách nền chùa cũ khoảng 500m. Và một ngôi chùa Phật Đá mới, bốn nóc cao rộng, khang trang được dựng lên ở đây cho đến ngày nay.

Năm 1919 (K Mùi), Ngài tổ chức lễ Lạc thành chùa mới, thỉnh chư tôn đức về tham dự rất đông. Sau khi chùa chiền an ổn, Ngài bắt đầu việc hoằng hóa độ sinh, tiếp Tăng giáo chúng. Lúc trường Hương này thỉnh giảng dạy, khi trường Kỳ nọ thỉnh chứng minh, tiếng tăm Ngài mỗi lúc một vang xa. Lại thêm truyền tích vị Phật Đá ở chùa cảm đức hạnh Ngài nên mỗi lúc lại linh thiêng hơn, nhiều người đau bệnh nan y, hiểm nghèo về đây lễ bái cầu nguyện đều được chữa lành, nên bổn đạo gần xa quy ngưỡng chùa này ngày càng thêm đông.

Năm 1927 (Đinh Mão), Ngài trùng tu chánh điện chùa Linh Phước cao rộng hơn, để có thể dung chứa đủ thập phương thiện tín về lễ bái. Năm 1929, Sư huynh là Hòa thượng Thiện Tòng, trụ trì chùa Trường Thạnh (Sài Gòn) về chùa Long Phước (Cai Lậy) lập Chúc thọ Giới đàn, thỉnh Hòa thượng Sắc tứ Long Hoa (Gò Vấp) làm Hòa thượng Đàn Đầu và thỉnh Ngài làm Giáo Thọ.

Năm 1939, vị trưởng tử của Ngài là Hoằng Thông húy Quảng Châu, trụ trì chùa Sắc tứ Long Hội mở trường Kỳ cung thỉnh Ngài làm Hòa thượng Đàn đầu truyền giới.

Khi phong trào chấn hưng Phật giáo nổi lên khắp nơi, hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa thượng Khánh Hòa, năm 1931, Ngài tham gia làm hội viên sáng lập Hội Lưỡng Xuyên Phật Học.

Năm 1947, chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, làng mạc tan hoang, chùa chiền bị thiêu rụi, Ngài phải cùng các đệ tử vào rừng ẩn náu, rồi đến tạm trú chùa Linh Quang của Đại đức Quảng Cơ. Tuy gian nan, vất vả, Ngài vẫn mỉm cười : “Tăng vô nhứt vật”.

Năm 1949 (K Sửu), Ngài cùng các đệ tử lại phải tản cư ra nương náu nơi Linh Ẩn Viện ở Nhị Bình lần thứ nhứt.

Năm 1952, Giáo hội Lục Hòa Tăng được thành lập, đại chúng thỉnh Ngài làm Tăng trưởng, từ chối nhiều lần không được, Ngài đành phải hứa khả. Trong thời gian phục vụ vì công việc quá nhiều nên mắt Ngài mờ dần, mãi đến năm 1960 mới sáng trở lại. Dầu vậy Ngài vẫn không xao lãng Phật sự, vẫn đi chứng minh đó đây, giảng dạy gia giáo khắp các đạo tràng.

Năm 1955, khi tiếng súng chiến tranh chấm dứt, Ngài cùng đồ chúng trở về trùng tu lại ngôi chùa Linh Phước. Chùa chiền vừa được sửa sang xong chưa bao lâu thì chiến tranh nữa lại nổi lên, khói lửa phủ mờ thôn xóm.

Năm 1961, Ngài cùng đồ chúng lại phải rời bỏ mái chùa thân yêu, tản cư ra nương náu nơi am Linh Ẩn – Nhị Bình lần thứ hai. Năm 1964, Ngài lại tản cư lưu trú nhiều chùa ở Mỹ Tho suốt hai năm.

Năm 1966, ông bà Phán Bổn, một bổn đạo tín tâm, thấy Ngài tuổi đã cao mà còn vất vả, lận đận nơi ăn chốn ở nên đã hiến cúng cho Ngài một miếng đất ở Mỹ Tho. Ngài cùng đồ chúng về đây dựng lên ngôi Linh Phước thứ hai, và trụ ở đây cho đến viên tịch.

Năm 1967, Ngài viết bảng Thanh quy trao quyền trụ trì cho đệ tử là Đại Đức Nhuận Quang để Ngài chuyên tâm tu trì và thuyết pháp độ sanh.

Năm 1974 (Giáp Dần), thấy sức khỏe mình đã suy yếu lắm, Ngài họp các môn nhơn đệ tử dặn dò, phó chúc những việc phải làm sau khi Ngài viên tịch. Ngày mùng 5 tháng 10 năm 1974, Ngài thong thả đọc bài kệ :

Ngàn thu an giấc khỏe thân ôi !
Cái nợ trầm luân đã phủi rồi
Thẳng tới Niết bàn theo cõi Phật
Thầy trò từ giã kiếp này thôi.

Sau đó Ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 84 tuổi, 60 Hạ lạp. Môn nhơn đệ tử xây tháp an táng nhục thân Ngài trong khuôn viên trước chùa Linh Phước.