THÀNH LẬP HỘI ĐỔNG PHIÊN DỊCH TAM TẠNG THÁNH GIÁO
Hội đồng phiên dịch Tam Tạng họp tại Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn vào những ngày 20, 21, 22.10.1973. Hội Đồng gồm tất cả 12 vị, dưới quyền Chủ Tọa T.T.Thích Trí Tịnh, T.T.Thích Minh Châu. Hội nghị thảo luận ráo riết trong mấy ngày, đến phần phân công phiên dịch kinh bộ, thì bộ Đại Bát Nhã 600 quyển giao cho T.T Thích Trí Nghiêm phiên dịch, T.T Thích Thiện Siêu duyệt khảo lại.
Trước Hội nghị này, tôi đã tự khởi dịch kinh này từ năm 1972 đã được gần 100 quyển. Sau Hội nghị tôi tiếp tục phiên dịch đến nay là xong 600 quyển.
HỔI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
Xin đem công đức này hồi hướng về quả Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, cầu xin Chư Phật mười phương hiện đang thuyết Pháp và Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đồng dủ lòng từ bi gia hộ cho các vị Tăng Ni Phật tử, thiện nam tín nữ xa gần đã góp phần công đức vào việc phiên dịch, đánh máy, ấn loát Kinh Đại Bát Nhã này, đời hiện còn đây được thêm phần phước huệ thọ mạng đầy đủ dồi dào, đến lúc lâm chung sẽ được vãng sanh về mười phương cõi Phật, được nghe các Đức Phật kia thuyết pháp môn thâm diệu là Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa để thọ trì đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, cúng dường lễ bái v.v…Bồi dưỡng căn lành Bát Nhã là hạt giống căn lành sanh đẻ ra các Phật ba đời. Cuối cùng các Phật tử này sẽ đều được trọn thành Phật quả và khắp cầu nguyện tất cả pháp giới chúng sanh đều được nhờ công đức Bát Nhã thù thắng này đều trọn nên Phật đạo.
Ngưỡng vọng:
Nam Mô Bát Nhã Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát chứng minh gia hộ .
Nam Mô Tam Châu cảm ứng Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát thủ hộ Pháp Bảo Bát Nhã này được lưu hành khắp mười phương thế giới trường tồn vĩnh viễn.
Viết tại am Hoàng Trúc thuộc chùa Long Sơn trụ sở Tỉnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Khánh Hòa, Nha Trang vào ngày vía
Đức Phật A Di Đà, Phật lịch 2524 (1980).
Dịch giả cẩn ghi
—o0o—
HỘI ẤN HÀNH ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM
Số 8070, 1107 trang,
TỰA HỒI ĐẦU KINH ĐẠI BÁT NHÃ
Sa Môn Huyền Tắc Chùa Tây Minh đời Đường phụng soạn
Tỳ Kheo Thích Trí Nghiêm chùa Long Sơn, Nha Trang dịch ra Việt Văn.
Kinh Đại Bát Nhã là áng văn tuyệt tác, trong đời hiếm có; là bến bờ sâu rộng, nhiều kiếp khó gặp; ánh sáng trùm khắp trời người, gồm thâu chơn tục. Thật là chốn ảo diệu nhập thần, vật linh thiêng giúp nước. Nếu chẳng phải thánh đức bàn luận sau xa, triết nhân diễn bày độc đáo, thì pháp âm huyền diệu khó lưu truyền, giáo lý tròn đầy đâu dễ đạt. Cho nên, các bậc vua chúa đã trình bày, soạn thuật những lời vàng ngọc, để soi sáng và xiển dương. Sự việc xa cách nghìn xưa, mà đạo lý vẫn soi sáng ba đời. Kinh văn này, quả là phong phú, cho đến ngày nay vẫn còn hoàn bị.
Toàn bộ kinh văn chia thành 24 tập, có 16 hội. Trước đây, chỉ có được nửa số lượng kinh văn quí báu ấy, nhưng đến nay thì có đủ toàn bộ. Xem duyên khởi của từng hội, mỗi hội so sánh với mỗi tập, rồi truy cứu bản gốc, để biết sự sai khác, nên mỗi hội có đề một bài tựa.
Như hội Linh Phong vừa vân tập, pháp âm rộng lớn, vang dội khắp nơi, gạn sạch nguồn thân, rộng bày tâm yếu. Vì sao? Bởi lẽ, năm Uẩn là vật chứa của hữu tình, hai Ngã là nhà của vật chứa ấy. Cái – nhà – Ngã mà đề cao, thì nước ảo vọng càng sâu; cái – vật – chứa – Uẩn mà tồn tại, thì thành ảo giác thêm cao. Đâu biết rằng, chỗ nương của ngã là vọng tưởng, mà tưởng đã là vọng, thì ngã không còn; cái trói buộc Uẩn là giả danh, mà danh đã là giả, thì Uẩn hết chỗ nương.
Cho nên, bàn luận về lẽ tức không, diễn bày về lý vong ngôn: Coi cõi tục là tịch tịnh; đặt loài côn trùng lên hàng vô sanh; nghe lời khen như tiếng vang trong hang núi; xem vạn vật như bóng trong gương. Bỏ cái dòm trời nhỏ hẹp. thì bầu trời mênh mông hiện rõ; không theo khuôn khổ hạn hẹp, thì cảnh bao la tự hiện. Ý tưởng thì mênh mông, lời lẽ thì vô cùng, khiến cho kẻ phàm phu thiển cận, có cơ hội tháo bỏ sự cố chấp; như xác định được hướng Nam rồi, thì chắc chắn biết được hướng Bắc. Nghĩa lý lồng lộng như trời, lời lẽ mênh mông như biển.
Ở đây, dùng các phần của bản gốc, cộng với những phần trước kia chưa truyền đến, gom lại mà khắc thành 400 quyển, 85 phẩm (?).
Xét theo phương thổ, đáng lẽ nên lược dịch, nhưng nghĩ lại, một lời có thể bao trùm hết thảy, lại thêm văn chương đã cao nhã, mà chương cú lại liên tục; như chỉ có hai chữ Niết-bàn, mà bao gồm: Tốt đẹp, tĩnh lặng, trong sáng, tự tại … lời dạy từ bi biết bao!
Nếu dịch mà lược bỏ, thì sợ để lại cái họa thiếu sót cho đời sau, nên nay phải dịch và truyền đúng theo nguyên bản, hầu khỏi bị chê là ngôn từ vượt ngoài giới hạn. Huống chi, thời đại còn viết trên thẻ tre, ý nghĩa thêm bớt còn lờ mờ lẫn lộn!
Trong kinh, lời dạy sáng tỏ, chương cú rõ ràng.
Từ đầu đến cuối, được sự cảm ứng, có ghi đầy đủ trong biệt lục.
Ai là người có tâm lớn. tài cao, đã từng nghe và phụng trì, đạt đến chỗ không sợ hãi, thì nên tự học hỏi và cứu độ.