LỜI NÓI ĐẦU
Có người hỏi: “Phật pháp có thể chia nhiều tông, tại sao không thể chia nhiều phái?” Nên biết Phật pháp là để hiển bày bản thể tự tánh bất nhị của Diệu giác nên chẳng thể chia. Có thể chia là giáo pháp (chẳng phải Phật pháp). Chư Phật chư Tổ, vì muốn thích ứng căn cơ trình độ của mọi chúng sanh, nên vì khế hợp đương cơ mà chia nhiều tông, tức là trên phù hợp ý Phật (Phật pháp chẳng thể chia), dưới khế hợp đương cơ (giáo pháp có thể chia) là vậy.
Giáo pháp thích hợp với người phương Ðông được chia làm năm hệ: Thiền, Giáo, Luật, Tịnh, và Mật. Thiền, Luật, Tịnh, Mật, mỗi hệ có một tông. Giáo môn lại chia thành bốn tông: Thiên Thai, Hiền Thủ, Tam Luận và Duy Thức, cộng chung là tám tông đại thừa.
Luận này, vì muốn phá chấp nhị biên tương đối, nên phương tiện thiết lập Trung Quán. Nguồn gốc của nhị biên là “hữu” và “vô”. “Hữu” bao gồm hữu vi pháp, “vô” bao gồm vô vi pháp. Nhị biên đã phá thì “Trung” không có chỗ để an lập. Như thế, đâu có học thuyết cao siêu để cho nghiên cứu mà dựng lập học phái Trung Quán!
Lục Tổ nói thuyết pháp chẳng lìa tự tánh, tự tánh là bất nhị. Kinh Ðại Thừa liễu nghĩa do Phật thuyết đều là bất nhị. Chư Tổ căn cứ theo kinh liễu nghĩa lập luận sớ giải cũng là bất nhị. Bất nhị thì chẳng có tương đối, chẳng có tương đối thì chẳng thể dùng bộ não suy nghĩ, chẳng thể dùng lời nói văn tự diễn đạt, cho nên Ðại Thừa Khởi Tín Luận nói: lìa “tướng tâm duyên”, lìa “tướng danh tự”…
Nên biết, những phương tiện do chư Phật chư Tổ thiết lập chỉ muốn khiến chúng sanh ngay đó khai ngộ, chứ chẳng phải muốn chúng sanh nghiên cứu tìm hiểu lý đạo. Do đó chẳng thể xem như một học thuyết để nghiên cứu mà chia ra nhiều học phái.
Trung Quán Luận gồm 27 phẩm, mặc dù có quán có phá, kỳ thực quán cũng là phá. Bất cứ hữu vi pháp, vô vi pháp, tất cả đều phá. Như các phẩm Quán Như Lai, Quán Niết Bàn là thuộc về phá pháp vô vi, những phẩm Quán Nhân Duyên, Quán Khứ Lai thuộc về phá pháp hữu vi. Hữu vô tất cả pháp đều phá. Phàm có nhị biên tương đối đều phá hết.
Chư Phật chư Tổ dùng pháp phá làm phương tiện để phá sự chấp trước của chúng sanh. Chúng sanh có cái sở chấp nào, thì phá cái sở chấp nấy. Nếu chúng sanh chẳng có chấp trước, thì pháp phá cũng thành dư thừa. Nay chúng tôi biên tập yếu chỉ Trung Quán Luận này, chỉ ở trong mỗi phẩm rút ra vài bài kệ chủ yếu, để sáng tỏ yếu chỉ về pháp phá của tác giả mà thôi.
Thích Duy Lực