CHỮ Phật là tiếng Phạn gọi là Phật Đà dịch nghĩa là Giác Ngộ. Chữ Pháp là bao gồm tất cả hiện tượng vũ trụ, không gian, thời gian và số lượng, từ tất cả những điều con người đã hiểu biết được cho đến tất cả những điều con người chưa thể tìm hiểu được, “hoặc có hoặc không, hoặc chẳng có chẳng không, hoặc cũng có cũng không”, đều gọi là Pháp. Nghĩa là bất cứ sự vật gì do loài người biết được đều bao gồm trong chữ Pháp nên cũng gọi là Pháp Giới.
Nói giác ngộ là giác ngộ cái gì ? Là giác ngộ tự tâm của chính mình. Tự Tâm cũng gọi là Tự Tánh cho nên người giác ngộ gọi là KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT cũng gọi là MINH TÂM KIẾN TÁNH.
Vậy Tự Tánh là gì ? Bản thể của Tự Tánh cùng khắp không gian, thời gian siêu việt số lượng, chỗ bộ óc suy lường chẳng thể đến, nên dùng văn tự lời nói chẳng thể diễn tả, chỉ có thể tự tu tự chứng, để nó tự hiện ra mà thôi (Phật Thích Ca có đích thân truyền pháp Thiền trực tiếp, theo đó tu hành sẽ đưa mình đến chỗ minh tâm kiến tánh).
Mặc dù nói bộ óc chẳng thể suy lường, nhưng tập khí lâu đời của con người thì hay dùng bộ óc đi nghiên cứu, tìm hiểu tất cả hiện tượng thế giới và những điều loài người chưa biết được. nếu cứ theo tập khí của con người đi tìm hiểu mãi thì vĩnh viễn không thể giác ngộ Tự Tánh nên Phật Thích Ca phải dùnh nhiều phương tiện khéo léo để chấm dứt cái tánh ham tìm hiểu và chấp thật của con người, khai thác một con đường bằng phẳng cho con người tự đi đến kiến tánh.
Con đường bằng phẳng của Phật Thích Ca khai thác ra và quét sạch tất cả tư tưởng chấp thật của loài người, cũng như chấp có là thật có, chấp không là thật không, chấp chơn là thật chơn, chấp giả là thật giả, cho đến chấp chúng sanh là thật có hoặc thật không, chấp Phật là thật có hoặc thật không, đều thuộc về tư tưởng chấp thật cả. Nói tóm lại những kinh đại thừa liễu nghĩa của Phật đều dùng để phá chấp trước của con người để khai thác con đường bằng phẳng mà thôi.
Tôi nói như vậy thì người ta sẽ hỏi :”Nhà khoa học dùng bộ óc để nghiên cứu suy lường và thực nghiệm, phát minh ra đủ thứ máy móc để giúp cho cuộc sống con người được phong phú hơn, cho đến sự tìm hiểu tiến sâu vào thái không, vũ trụ bao la, đều nhờ tư tưởng chấp thật, nên quét sạch tư tưởng chấp thật thì chẳng phải là muốn làm cho đời sống văn minh của loài người lui sụt hay sao?”.
Kỳ thật Phật Thích Ca khai thác con đường bằng phẳng mục đích là muốn đưa con người từ quốc độ tương đối sang quốc độ tuyệt đối. nếu vào được quốc độ tuyệt đối rồi thì tất cả tư tưởng chấp thật trườc kia cho đến mọi đối tượng trong vũ trụ pháp giới đều tự biến thành tuyệt đối. Lúc ấy cuộc sống của con người chẳng những được phong phú đầy đủ lại còn được chấm dứt tất cả khổ não do sự mâu thuẫn của tương đối sanh khởi.
Vì như phát minh xe hơi để giúp cho sự giao thông được tiện lợi nhưng xe hơi nhiều quá lại làm cho giao thông chướng ngại và tai nạn xe hơi ngày càng gia tăng. Khoa học phát minh nhiều thứ thuốc mới để chữa bệnh được mau lành nhưng những bệnh tật mới, vi trùng mới lại tăng thêm nhanh hơn sự tiến bộ của thuốc men. Tại sao vậy ? Vì thức ăn thiên nhiên đã không còn, hàng ngày con người đều ăn những thứ thức ăn có liên hệ với thuốc hóa học, từ rau cải trái cây cho đến gia súc đều dùng thuốc kích thích cho chúng sanh tăng trưởng mau lẹ. Con người ăn những thứ thức ăn đó lại thêm sự tranh danh hưỡng thụ vật chất cho cuộc sống làm cho thần kinh quá căng thẳng, cho nên phải sanh ra đủ thứ bệnh tật mới và vi trùng mới.
Máy điện toán thay thế cho bộ óc của người và đẻ thứ máy móc để thay thế tay chân của con người, sự làm việc của bộ óc và tay chân sẽ giảm bớt dần dần, con người cho là hạnh phúc, rốt cuộc sẽ đưa con người đến chỗ lười biếng và không biết làm việc gì cả …
Những đều kể trên đều do sự lợi và hại tương đối mà đưa đến kết quả như thế. Nếu con người cứ tiếp tục sống trong quốc độ tương đối mãi thì đến một ngày kia, khoa học sẽ phát minh một vũ khí lợi hại hơn bom nguyên tử gấp muôn triệu lần là cho quả đất huỷ diệt và không còn sinh vật nào tồn tại nữa.
Phật Thích Ca vì đã biết sự khoa học văn minh ngày càng phát triển không đem cho con người được hạnh phúc hơn, trái lại làm cho con người tăng gia nhiều khổ não chẳng thể tưởng tượng. cũng như con người đua nhau tranh giành sư hưởng thụ vật chất cho đầy đủ thì ngã chấp phải tăng cường, rồi đi đến giết hại lẫn nhau, từ trong gia đình anh chị em tranh giành với nhau, gia đình này với gia đình kia tranh giành với nhau, đoàn thể này với đoàn thể kia, chủng tộc này với chủng tộc kia, nước này với nước kia , từ chửi mắng đánh lộn đến xung đột đổ máu, cho đến chiến tranh thế giới làm cho con người, không kể ai, sớm muộn gì cũng phải tiếp tục hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp gánh chịu lấy cái vận mạng bi thảm như đã từng gánh chịu trong hai trận thế chiến của thế kỷ này.
Phật Thích Ca có bổn phận giải quyết tất cả đau khổ của chúng sanh, cho mọi người đạt đến tự do tự tại chân thật nên mới có sự thuyết pháp để chuyển hoá tư tưởng của con người và truyền dạy pháp Thiền trực tiếp (hay gọi là tổ sư thiền). Nếu người nào chịu theo đó tu tập sẽ được tự đưa mình từ quốc độ tương đối đầy khổ não tiến vào quốc độ tuyệt đối để hưỡng cuộc sống phong phú đầy đủ và tự do tự tại.
Chữ Thiền là gì ? Theo nghĩa thông thường phàm luyện tập cho tâm trí được thanh tịnh đều gọi là Thiền, nhưng Thiền Tông lại khác hẳn với tất cả Thiền khác, duy nhất thực hành theo pháp Thiền trực tiếp do Phật Thích Ca đích thân truyền dạy, chuyên chú trọng thực hành không cần lý luận, gọi là giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ chơn tâm kiến tánh thành phật”. Nói chung chỉ là “từ NGHI đến NGỘ”. Chữ NGHI này Thiền Tông gọi là NGHI TÌNH. Cơ bản thực hành của Thiền Tông có hai yếu tố, một là “tin TỰ TÂM”, hai là phát NGHI TÌNH”.