Hòa thượng Thích Vạn Ân thuộc dòng Lâm Tế, tông Liễu Quán, đời thứ 42, húy Trừng Thành, sinh năm 1886 tại thôn Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Xuất thân trong một gia đình Nho phong danh tiếng ở địa phương. Thân phụ là cụ Nguyễn Chơn Tịnh, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Như Liên. Cả gia đình đều thâm tín Tam Bảo, có nhiều vị xuất gia danh tiếng. Chính song thân Ngài đã phát tâm kiến tạo Tổ đình Khánh Long danh tiếng một thời.
Thuở nhỏ Ngài theo học Nho, nổi tiếng là một nho sinh thông minh, hoạt bát. Thường ngày Ngài được song thân hướng dẫn lễ Phật, bái sám. Sẵn có túc duyên, năm 12 tuổi, Ngài quyết chí xuất gia. Được song thân cho phép, Ngài đến cầu pháp với Tổ Nguyên Đạt chùa Long Tường ở xã nhà và được nhận làm đệ tử, pháp danh là Trừng Thành.
Năm 21 tuổi (Đinh Mùi – 1907), Ngài được Bổn sư cho đi thọ Cụ Túc giới tại Đại giới đàn chùa Sắc Tứ Long Sơn Bát Nhã ở Tuy An. Kế đó Ngài lại tham học với Tổ Bát Nhã 5 năm. Năm 26 tuổi, Ngài được mời vào hàng Tam sư làm Yết ma tại Đại giới đàn chùa Mông Sơn ở Phan Rang. Với chí nguyện hoằng pháp độ sanh, Ngài đã vân du hóa đạo khắp Trung, Nam lên đến Cao nguyên: Ninh Thuận, Bình Thuận, Biên Hòa, Bà Rịa, Châu Đốc, Buôn Ma Thuột.
Năm Đinh Mão (1927), Ngài được mời làm giảng sư tại Phật học đường gia giáo chùa Giác Hoa tỉnh Bạc Liêu trong 3 năm. Trong thời gian này Ngài đã có dịp cộng tác với Hòa thượng Khánh Anh, một vị cao Tăng có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo tại miền Nam. Kế đó Ngài được mời giảng dạy tại Phật học đường chùa Tây Thiên và chùa Kim Sơn tại tỉnh Ninh Thuận, đồng thời làm Pháp sư giảng luật tại trường Hương chùa Trùng Khánh ở Phan Rang.
Năm Ất Hợi (1935), chùa Sắc Tứ Bát Nhã mở trường Hương, an cư kiết hạ. Ngài được mời làm Thiền chủ. Năm Kỷ Sửu (1949), Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng, tái thí truyền giới tại giới đàn chùa Bảo Sơn – Tuy An. Năm Đinh Dậu (1957), Ngài được cung thỉnh làm Yết Ma A Xà Lê tại đại giới đàn Phật học viện Hải Đức ở Nha Trang do đại lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên chùa Thiền Tôn – Huế làm Đàn đầu và Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Đàn chủ.
Tuy Ngài vân du hóa đạo khắp nơi, nhưng nơi thường trú của Ngài trong thời gian đầu là Tổ đình Khánh Long. Dưới tài khai hóa của Ngài, Tổ đình luôn luôn tấp nập người Tăng kẻ tục đến cầu đạo, các danh nho trí sĩ đương thời lui tới vấn đạo tham kinh. Thời gian sau Ngài chọn được một nơi để kiến lập ngôi già lam mới. Đó chính là Tổ đình Hương Tích, một nơi xứng đáng là danh lam thắng tích, có sơn thủy hữu tình, lại thuận đường lui tới học đạo cho Tăng tục gần xa. Đây là trụ xứ thứ hai và cũng là trụ xứ chính thức cho cuộc đời hoằng đạo của Ngài. Do đó Tăng tín đồ thường gọi Ngài là Hòa thượng Hương Tích. Chính nơi đây, năm Ất Mùi (1955), môn đồ từ các nơi tập trung về đây an cư tu học trong ba tháng để có dịp hầu cận Tôn sư cầu ân pháp nhũ.
Công hạnh hoằng pháp của Ngài đang hưng thịnh thì chiến tranh diễn ra khắp nơi. Năm 1964, Ngài phải cùng Tăng chúng tạm lánh về Tổ đình Bửu Tịnh tại thị xã Tuy Hòa nơi đặt trụ sở của Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Phú Yên. Tỉnh Giáo Hội cung thỉnh Ngài làm Trưởng ban trùng tu Tổ đình Bửu Tịnh và thừa kế tổ nghiệp ở đây. Cũng trong thời gian này Ngài được cung thỉnh vào ngôi vị Chứng minh đạo hạnh cho Tỉnh Giáo Hội.
Ngoài việc khai sơn Tổ đình Hương Tích, Ngài còn có công xây dựng mới và trùng tu trên hai mươi lăm ngôi chùa, có nơi còn di tích, có nơi đã hoang phế vì thời cuộc. Trong số chùa mới lập, đáng kể là chùa Phi Lai xã Hòa Tịnh, chùa Cảnh Long xã Hòa Tân, chùa Cảnh Thái và Niệm Phật Đường ấp Nhì xã Hòa Vinh, chùa Ân Quang xã Hòa Thành, Niệm Phật Đường thôn Bàn Thạch, xã Hòa Xuân, chùa Hưng Long thôn Uất Lâm, xã Hòa Hiệp, chùa Liên Sơn và chùa Thanh Hương xã Hòa Phong, chùa Pháp Võ thôn Mỹ Thành, chùa Châu Lâm thôn Ngọc Lâm, chùa Quảng Long thôn Quảng Tường, xã Hòa Mỹ, Niệm Phật Đường Hồng Ân tại Trung tâm cải huấn thị xã Tuy Hòa.
Về công trình trùng tu tái thiết có chùa Long Sơn thôn Phụng Tường, chùa Long Thọ thôn Qui Hậu xã Hòa Trị, chùa Mỹ Quang xã Hòa Phong, chùa Hòa Sơn, Tổ đình Thượng Tiên Thọ Vân xã Hòa Kiến. Ngoài ra Ngài còn chứng minh khai sơn nhiều chùa ở các tỉnh như chùa Diên Thọ, chùa Bửu Liên, chùa Bửu Tích, chùa Bửu Tạng tại Phan Rí – Bình Thuận, chùa Từ Ân ở Buôn Ma Thuột.
Trong cuộc đời hoằng pháp lợi sinh của Ngài, đặc biệt là việc Ngài tự tay góp đá lát bằng mặt đường đèo Xương Cá ở thôn Phú Điền, xã Hòa Kiến, giúp đồng bào địa phương đi lại được dễ dàng, và việc Ngài lập đàn cầu siêu suốt 7 ngày đêm cho các nạn nhân bị bão lụt năm Giáp Tý (1924) tại thôn Hà Lò, xã Hòa Hiệp mà mọi người còn ghi nhớ.
Là một thiền sư đức độ, tánh tình bình dị, nhu hòa, bao dung độ lượng, Ngài lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ và tiếp dẫn đồ chúng, không phân biệt cao hạ thân sơ. Ngài luôn luôn chăm lo trang nghiêm Tổ nghiệp, lân mẫn dạy dỗ đệ tử, hướng dẫn chúng sinh, đã độ trên năm mươi đệ tử xuất gia và hàng ngàn đệ tử tại gia trong và ngoài tỉnh. Một số đệ tử xuất gia có uy tín hiện nay như Hòa thượng Diêu Quang kế thừa Tổ đình Hương Tích, Hòa thượng Diêu Tâm tọa chủ chùa Phi Lai… Pháp điệt của Ngài khá đông, có nhiều vị đang đảm nhận Phật sự tại nhiều nơi trong Giáo hội. Đại Đức Thích Nguyên Hương, người đã dùng nhục thân đốt lên ngọn đuốc thứ hai sau Bồ Tát Thích Quảng Đức tại Sài Gòn trong mùa pháp nạn 1963, là pháp điệt gọi Ngài bằng Sư Ông.
Ngài chuyên hành trì Mật tông và pháp môn Tịnh độ. Hai thời khóa tụng tối khuya được Ngài thực hiện đều đặn, không hề thay đổi. Hàng ngày nhất cử, nhất động Ngài đều bắt ấn trì chú và niệm Phật. Công năng hành trì này đã được kết quả diệu dụng. Nhiều chứng bệnh thầy thuốc bó tay, Ngài đều chữa khỏi bằng sức gia trì của Mật chú. Tổ đình Hương Tích nhiều khi như là một bệnh viện đủ các loại bệnh nhân: tâm thần, bệnh con nít, tà nghiệp…
Đầu tháng 2 năm Đinh Mùi (1967), biết cơ duyên giáo hóa đã mãn, sự thị hiện ở đời không còn bao lâu nữa, luật vô thường đã chi phối tấm thân tứ đại, Ngài cho báo tin các môn đồ ở các nơi về để thầy trò gặp nhau lần cuối. Rồi đến nửa đêm ngày mồng 8 tháng 2, nhằm ngày vía đức Bổn Sư Thích Ca xuất gia, Ngài định thần an nhiên thị tịch tại Tổ đình Bảo Tịnh, hưởng thọ 82 tuổi đời, 61 tuổi hạ. Kim quan của Ngài được đem về quyền táng tại chùa Ân Quang xã Hòa Thành. Đến năm Bính Thìn (1976), linh cốt của Ngài được đem về nhập tháp tại Tổ đình Hương Tích.