Hòa thượng Thích Liễu Thiền (còn gọi là Liễu Thoàn), pháp hiệu Tu Trì, thuộc tông Thiên Thai Giáo Quán đời thứ 21. Ngài thế danh là Nguyễn Văn Đo, sinh năm Ất Dậu (1885), tại làng Mỹ Lệ (Chợ Trạm), huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Tín, thân mẫu là cụ bà Phan Thị Chí.
Gia đình Ngài vốn theo đạo Minh Sư, rất mực nhân nghĩa, đạo đức với đời. Năm lên 8 tuổi, Ngài được song thân cho học với một danh nho nổi tiếng trong vùng. Vốn bản tính thông minh lại thêm siêng năng, hiếu học nên chỉ trong ba năm Ngài đã làu thông các bộ Tứ Thư, Ngũ Kinh, Minh Tâm của Nho giáo. Tuy thông minh học giỏi nhưng Ngài lúc nào cũng khiêm tốn, lễ độ, kính trên nhường dưới, hài hòa với bạn đồng học nên được thầy yêu, bạn mến. Trong gia đình, Ngài hết lòng hiếu kính mẹ cha, chia xẻ, gánh vác việc nặng nhọc với anh em, dịu dàng, thân ái với thân quyến xóm làng. Từ bé, Ngài được mọi người yêu thương, quan tâm, chỉ bảo.
Năm Giáp Thìn (1904), một trận bão kinh hoàng gieo đau thương tang tóc khắp nơi. Hai huyện Cần Đước, Cần Giuộc bị tàn phá nặng nề, cây ngã, nhà sập, xác người chết đó đây, nhân dân trong vùng đói rét khốn khổ. Thảm trạng này đã đánh động vào tâm thức non trẻ của Ngài, khiến Ngài nhận ra rằng thế gian này vốn vô thường, tạm bợ mà kiếp nhân sinh thì quá đỗi khổ đau. Cũng từ đây một bước ngoặt tâm lý được mở ra. Ngài bắt đầu hướng tâm đến đạo giáo, trường trai giới sát, tu nhân tích đức. Khi thiện duyên chín mùi, Ngài đến chùa Vĩnh Nguyên (đạo Minh Sư) xin xuất gia, thọ giáo với ông Lão Tiễn. Theo đạo Minh Sư, người xuất gia không cắt tóc, chỉ đoạn trừ ân ái, tĩnh lặng dụng công tích phép luyện đơn. Ngài ở đây, dưới sự dẫn dắt của Thầy, chuyên tâm tu tập, khổ hạnh nhiều năm. Khi công hạnh đã tinh thuần, Ngài được điểm đạo và tôn xưng lên ngôi vị ông Lão.
Tháng Giêng năm 1933 (Quý Dậu), do túc duyên nhiều đời với Phật pháp, Ngài cùng phái đoàn bảy người trong đạo Minh Sư sang Trung Quốc, lãnh thọ giới pháp của đức Phật do Tổ Hiển Kỳ nhiếp hóa và khuyến tấn. Phái đoàn được Tổ Hiển Kỳ, Tổ đình Thanh Sơn, cho lưu trú tại bổn viện và trong suốt 15 ngày liền Tổ khai hóa chánh pháp, giảng giải tông yếu của pháp môn cho mọi người. Sau đó, Tổ khai đàn truyền Cụ túc giới cho cả phái đoàn. Đắc giới xong, Ngài được Tổ ban pháp hiệu Liễu Thiền nối pháp tông Thiên Thai Giáo Quán đời thứ 21, chính thức truyền sang Việt Nam.
Sau đó Ngài cùng phái đoàn trở về Việt Nam. Về lại chốn cũ chùa Vĩnh Nguyên, với tâm nguyện truyền bá chánh pháp lợi lạc quần sanh. Ngài chuyển lối tu từ đạo Minh Sư sang pháp tu của đạo Phật. Lấy kinh Pháp Hoa làm căn bản, mượn pháp Tam Quán làm phương tiện. Và đây cũng là điểm khởi thủy của Tông Thiên Thai Giáo Quán ở Việt Nam mà Ngài là Sơ Tổ.
Cũng trong thời gian này, ông Lão Tiễn quy tiên, kế đó song thân Ngài cũng lần lượt từ giã cõi đời. Ngài phải lo chu tất việc cúng tế thờ tự cho người thầy đầu tiên của mình, cũng như việc an táng, siêu độ cho song thân, vẹn toàn hiếu hạnh.
Tháng 4 năm 1933 (Quý Dậu), nhận lời thỉnh cầu của ông Cả Tiệm, Ngài về trụ trì chùa Tôn Thạnh, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là một đại già lam u tịch, cổ kính, do Tổ Viên Ngộ khai sáng năm 1807. Ngài cho sửa sang lại tự viện, chỉnh đốn tông môn và một năm sau, năm 1934 (Giáp Tuất) Ngài mở Đại trai đàn cầu quốc thới dân an, siêu độ cho thập loại chúng sanh. Cũng trong năm này, Ngài khai Đại giới đàn, cung thỉnh Giới sư tôn túc, truyền bá giới pháp cho hơn 300 Tăng Ni, cư sĩ. Đây là một đàn giới trang nghiêm long trọng nhất ở Long An từ trước đến nay.
Nhằm giúp Tăng chúng thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, trong suốt 20 năm (1934 – 1954) trụ trì tại Tổ đình Tôn Thạnh, hàng năm Ngài đều mở khóa An cư kiết Hạ. Kính mộ uy đức của Ngài, Tăng chúng quy ngưỡng về tụ học mỗi lúc một đông hơn. Ngoài ra, Ngài còn có thông lệ, hằng năm vào ngày 17, 18, 19 tháng 2 Âm lịch, tức ngày vía Bồ Tát Quán Âm, Ngài đều khai đàn truyền giới cho Tăng Ni, Phật tử.
Về phương diện tu tập, Ngài tuân thủ tôn chỉ của tông Thiên Thai, lấy tam pháp quán (Không quán; Giả quán; Trung quán) làm pháp môn chủ yếu. Ngài còn chuyên tâm trì tụng kinh Pháp Hoa và kinh Kim Cang. Về phương diện giáo hóa, Ngài tích cực hiển dương pháp môn Tịnh Độ dạy người niệm Phật cầu vãng sanh. Ngài hành trì giới luật rất tinh nghiêm. Để tu tập thiền quán, Ngài không ăn chiều, không uống sữa bò, đi bộ đường dài trên 20km, nhất quyết không ngồi xe để ngựa kéo. Mến mộ giới đức của Ngài, trong các trường Hương, chư tôn thiền đức thỉnh Ngài giảng dạy Luật tạng. Và trong các lớp gia giáo, Ngài luôn được mời dạy các bộ kinh Đại thừa.
Kính ngưỡng đức hạnh của Ngài, biết bao người xả tục quy chơn. Trong số đệ tử xuất gia của Ngài, đã có biết bao vị trở thành pháp khí Đại thừa làm rường cột trong Phật pháp như : Hòa thượng Đạt Hương, Viện chủ chùa Linh Phong (Tân Hiệp, Tiền Giang), Hòa thượng Đạt Pháp, trụ trì chùa Bồ Đề (Cần Giuộc, Long An), Hòa thượng Đạt Tân, trụ trì chùa Phước Lâm (Củ Chi), Hòa thượng Đạt Đồng, trụ trì chùa Đông Thạnh (Cần Giụôc, Long An). Về Ni giới có Ni trưởng Đạt Lý, Viện chủ chùa Long Nhiễu (Thủ Đức), Ni trưởng Đạt Cung, Viện chủ chùa Pháp Đàn (Gò Đen), Ni trưởng Đạt Thuận, trụ trì chùa Linh Sơn (Bình Chánh)… Rất nhiều thiện nam, tín nữ quy y nơi Ngài đều được Ngài khuyến hóa tu tập theo pháp môn Tịnh độ, và có nhiều người lúc lâm chung chứng nghiệm được điềm lành.
Ngài tận tụy truyền thừa tông chỉ bổn môn nhưng vẫn hòa mình vào đại thể Phật giáo, luôn cùng với các vị tôn túc trưởng lão chung lo Phật sự, hết lòng hết sức, không tị hiềm, không phân chia. Do vậy, Ngài rất được chư tôn thiền đức quý kính. Chùa nào khai Hương, mở Hạ cũng cung thỉnh Ngài chứng minh hoặc làm Thiền chủ. Đàn giới nào cũng thỉnh Ngài ở vị Tam Sư, để truyền trao giới pháp cho đàn hậu tấn.
Khi phong trào chấn hưng Phật giáo được các Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh, Huệ Quang khởi xướng và phát động mạnh ở miền Nam, các lớp Phật học liên tiếp ra đời để đào tạo Tăng tài, Ngài luôn được quý Hòa thượng mến mộ, cung thỉnh vào ngôi vị:
– Chứng minh Đạo sư Liên Hải Phật Học Đường.
– Chứng minh Đạo sư Hội Phật Học Nam Việt (1955).
– Chứng minh Đạo sư Hội Lưỡng Xuyên Phật Học (1934).
– Chứng minh Đạo sư Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Nam Việt.
– Chứng minh Đạo sư Phật Học Đường Nam Việt.
Có thể nói Tổ đình Tôn Thạnh trong thời gian Ngài đương gia khai hóa, thật sự đã biến thành một thánh địa cho Tăng, Ni, Phật tử quy ngưỡng rèn trau giới đức. Trong số đó có 2 vị cao Tăng : Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, năm nào các Ngài cũng về đây tịnh tu một thời gian, hoặc để nghiên tầm kinh, luật hoặc để trợ giúp Phật sự với Ngài.
Năm 1950 (Canh Dần), cảm nghĩa ân khai tâm, mở trí của ông Lão Tiễn, vị thầy đầu tiên, Ngài cho khởi công trùng tu lại ngôi chùa Vĩnh Nguyên, chùa được hoàn tất trong năm, khang trang, đẹp đẽ.
Năm 1955 (Ất Mùi), Ngài được gia tộc chùa Pháp Tánh nhường cho một mẫu đất ở xã Tân Kim, huyện Cần Giụôc, tỉnh Long An. Ngài khởi công xây dựng Tổ đình cho tông phái. Chùa được hoàn tất khang trang, tráng lệ theo lối kiến trúc cổ. Ngài đặt hiệu là Bồ Đề. Từ đây chùa Bồ Đề chính thức là Tổ đình của tông Thiên Thai Giáo Quán, là nơi thờ tự chư tiền bối tông môn mà cũng là chỗ quy ngưỡng của Tăng tín đồ tông phái.
Khi hoàn thành các tâm nguyện, Ngài vui vẻ đi thăm viếng tất cả các già lam, trú xứ mà trước đây Ngài đã ở qua. Sau chuyến đi này, sức khỏe Ngài yếu hẳn, biết trước lẽ vô thường, Ngài gác bỏ vạn duyên để chuyên tâm niệm Phật.
Ngày 21 tháng 4 năm Bính Thân (1956), hóa duyên đã mãn, Ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 71 tuổi, 23 Hạ lạp. Tang lễ của Ngài được tông môn Thiên Thai cử hành vô cùng trọng thể, dưới sự chứng minh của chư vị tôn túc Giáo hội Phật giáo Tăng Già Nam Việt. Nhục thân của Ngài được nhập tháp tại Tổ đình Bồ Đề.
Hơn 20 năm tấn đạo nghiêm thân, hiển dương tông phái, hoằng pháp độ sanh, công hạnh của Ngài to lớn biết bao ! Ngài xứng đáng là Tòng Lâm thạch trụ, khai môn, mở phái, là thiền môn quy cảnh cho tứ chúng đồng soi, là thềm thang lối Phật cho hậu tấn noi theo.