Lời Tựa
Chẳng phải là chúng ta vẫn thường thấy các cơ quan truyền thông loan tin về những xung đột mang ít nhiều màu sắc tôn giáo hay sao? Các lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma không những vượt ra khỏi biên giới của một tôn giáo mà còn mở ra cho nhân loại cả một hướng đi mới:
-“Việc tu hành đích thật không phải là ở các nơi thờ phượng, mà là ở bên ngoài những nơi ấy, ở ngay giữa thế giới này, nơi mà chúng ta phải đối đấu với những cảnh huống của sự sống đích thật và chung đụng với những con người có thể gây ra hận thù, thương yêu, thèm khát… (câu 90).
– “Không nhất thiết bắt buộc phải theo một tôn giáo thì mới có thể biến cải được tâm thức mình. Dù tin hay không tin vào tôn giáo thì bất cứ một con người nào cũng đều có thể biến cải tâm thức mình. Dù các truyền thống tâm linh có đưa ra các phương tiện giúp đạt được mục đích ấy, thì đấy cũng không phải là con đường duy nhất bắt buộc phải theo”.
“Chính vì lý do thật dứt khoát ấy nên tôi vẫn thường quảng bá về một “nền tảng đạo đức nghìn năm” có thể áp dụng cho tất cả mọi con người, dù là có đức tin hay không“ (câu 67).
Sự khiêm tốn đó không phải chỉ phản ảnh qua những câu phát biểu hay những lời thuyết giảng mà cả trong cuộc sống vô cùng giản dị của Ngài:
“Sự sinh hoạt hằng ngày của tôi bắt đầu từ 3 giờ hoặc 3 giờ rưỡi sáng. Vừa thức giấc là tôi nghĩ ngay đến Đức Phật và niệm những lời tôn vinh Ngài do nhà hiền triết Long Thụ viết. Hai tay chắp lại tôi xướng lên những lời thật đẹp ấy, nửa phần thì kính cẩn nhưng nửa phần thì vẫn còn mơ màng ngái ngủ. Là một nhà sư Phật Giáo vừa thức giấc là tôi bước đến bàn thờ để lễ Phật. Nhằm chuẩn bị cho một ngày trước mặt, tôi phát động tình nhân ái và lòng từ tâm trong tâm thức tôi hướng về tất cả chúng sinh. Sau đó tôi ngồi xuống để thiền định.
“Sau đó tôi thực thi phép thiền định phân tích về lòng vị tha mà kinh sách gọi là bồ-đề-tâm (bodhicitta), hoặc các phép thiền định về “Tánh Không”, và “Tánh Không đối với Tinh Thần Giác Ngộ”, đấy là các phép thiền định quan trọng nhất trong việc tu tập hằng ngày của tôi. Các buổi thiền định này sẽ trợ giúp tôi rất nhiều trong suốt ngày hôm đó. Dù có gặp phải những khó khăn nào, những nỗi đau buồn nào hay nhận được những tin đáng buồn nào, thì các phép thiền định ấy đều giúp tôi giữ được sự thăng bằng sâu xa trong tâm thức và mang lại một sự trợ lực cho nội tâm tôi.
“Sau buổi ăn trưa tôi lại trở ra phòng tiếp tân để tiếp tục tiếp khách. Trong thời gian gần đây tuần nào tôi cũng có dịp tiếp đón những người Tây Tạng vượt qua được biên giới đến tìm tôi. Khoảng 5 giờ chiều là giờ uống trà. Là một người tu hành Phật Giáo tôi không ăn chiều, nếu có đói thì tôi nhâm nhi một chiếc bánh quy sau khi xin tạ lỗi với chư Phật (kể đến đây Ngài mỉm cười) và ngay sau đó lại tụng niệm và hành thiền….
“Khoảng 7 hay 8 giờ tối, tôi bắt đầu ôn lại những gì tôi đã làm trong ngày trước khi đi ngủ…” (dựa theo một bản dịch tiếng Pháp trên một trang web Phật Giáo Tây Tạng)
Một ngày thật bình dị của một nhà sư khiêm tốn trong một gian nhà bên sườn đồi trong một vùng núi non trên miền bắc Ấn thực sự không tiêu biểu cho một cuộc đời bình lặng và cũng không che khuất được những lúc mà vị lãnh đạo phi thường này phải dấn thân ròng rã trên khắp nẻo đường. Một bữa cơm trưa, một chiếc bánh quy buổi chiều của một nhà sư không làm xao lãng được những buổi hành thiền thật lâu của một vị giác ngộ. Ngài cho biết là Ngài thiền định về quá trình của cái chết từ sáu đến bảy lần mỗi ngày và còn nói thêm rằng “trên nguyên tắc thì Ngài đã thuộc bài, thế nhưng đến khi chết thật thì chưa biết ra sao”. Câu nói vừa khiêm tốn lại vừa khôi hài và dí dỏm đó cho thấy là Ngài không hoàn toàn sống trong cái thế giới thô thiển của chúng ta, mà trong những lúc hành thiền đó Ngài đã hòa nhập vào thể dạng của “ánh sáng trong suốt” của tri thức phi thời gian và không gian của Ngài mà Ngài đã thực hiện được qua phép thiền định vể quá trình của “cái chết”. Ngài bước vào thế giới ấy như một vị A-la-hán, một thế giới hoàn toàn tĩnh lặng và trống không, đấy là thế giới của sự đình chỉ tuyệt đối mà chúng ta thường hình dung qua trí tưởng tượng thô thiển của mình như là một cõi của mọi thứ phúc hạnh, và kinh sách thì gọi là niết-bàn. Mỗi ngày Ngài trở lại với thế giới này trong những lúc nào đó qua hóa thân của một vị Bồ-tát đã đạt được giác ngộ, để cùng sống với chúng ta, làm tấm gương cho chúng ta soi và thuyết giảng cho chúng ta nghe.
Quyển sách này biểu trưng cho một phần thật nhỏ trong cái kho tàng rộng mênh mông những lời thuyết giảng của Ngài. Tựa của nguyên bản là: “108 viên ngọc trí tuệ của Đức Đạt-lai Lạt-ma – giúp mang lại sự thanh thản” (“108 perles de sagesse du Dalai-Lama pour parvenir à la sérénité”, nhà xuất bản Presse de la Renaissance, Paris 2006). Thế nhưng tại sao lại là con số 108? Con số này mang nhiều đặc tính rất lạ và đặc biệt trong toán học, tuy nhiên đấy không phải là lãnh vực mà chúng ta đang bàn thảo với nhau, chúng ta chỉ cần hiểu rằng xâu chuỗi hay tràng hạt của Phật Giáo gồm 108 hạt, và đấy cũng là ngụ ý của tựa quyển sách. Xâu chuỗi có nguồn gốc rất lâu đời, xuất phát từ đạo Bà-la-môn, có nghĩa là có thể có trước cả Phật Giáo. Người Hồi Giáo bắt chước xâu chuỗi của Phật Giáo khi tín ngưỡng này bành trướng rất mạnh ở các vùng Cận Đông và cả Trung Đông. Sau đó vào thời Trung Cổ người Thiên Chúa Giáo lại bắt chước xâu chuỗi của người Hồi Giáo khi các đạo quân Thập Tự Chinh của Âu Châu kéo sang tiến chiếm Trung Đông. Số hạt trong các xâu chuỗi thì hiển nhiên là cũng có thể khác nhau tùy theo các tôn giáo nhưng tất cả đã bắt đầu từ cùng một nguồn gốc.
Các sách gom góp các câu thuyết giảng sâu sắc của Đức Đạt-lai Lạt-ma nói chung rất được ưa chuộng trong thế giới tây phương. Riêng bằng tiếng Pháp ít nhất cũng đã có đến khoảng hơn chục quyển với hàng nghìn câu đã được chọn lọc và trích dẫn. Người chọn 108 câu trong quyển sách này là một phụ nữ khá đặc biệt là Cathérine Barry. Bà học đến năm thứ năm ngành Y Khoa thì bỏ ngang và chuyển sang học về các ngành Tâm Lý Học, Đông Y, Hán ngữ, văn minh Trung Quốc… Bà từng điều khiển chương trình Phật Giáo hằng tuần trên đài truyền hình quốc gia Pháp từ năm 1997 đến năm 2007. Ngoài ra bà cũng có viết một số sách về tâm lý học Phật Giáo mang tính cách ứng dụng.
Trong những bài chuyển ngữ khác, người dịch đôi khi cũng ghi chú thêm một vài lời giải thích với hy vọng giúp một vài độc giả chưa quen lắm với các thuật ngữ và các khái niệm trong Phật Giáo có thể theo dõi dễ dàng hơn. Tuy nhiên trong bản dịch các lời vàng ngọc này của Đức Đạt-lai Lạt-ma thì sẽ không có thêm một lời ghi chú nào cả, mặc dù phía sau những lời khuyên đó đều ẩn chứa nhiều khái niệm thật sâu sắc trong giáo huấn Phật Giáo. Lý do cũng dễ hiểu bởi vì đây là những câu giảng rất thâm thúy mà mỗi người trong chúng ta hãy suy tư và tự tìm hiểu lấy. Những lời khuyên dạy này cũng rất thiết thực và dù có hiểu thế nào đi nữa mà không mang ra thực hành thì cũng chỉ là vô ích mà thôi.