LỜI TỰ DẪN
Bực Cổ Đức nói: “Nước không Luật nước loạn; nhà không Luật nhà vong”. Chính thế, nước có Luật của nước, nhà có Luật của nhà, cho đến trường hợp nào đều có Luật của trường hợp ấy cả. Không luận Gia đình, Chính trị chay Tôn giáo.
Nếu trường hợp nào mà thiếu phần Giới Luật, tất nhiên trường hợp ấy phải đào thải không giá trị.
Chẳng những Gia đình, Chính trị và Tôn giáo. Chính như những nghề nghiệp làm ăn hàng ngày, mà thiếu kỷ cương trật tự, thì nghề ấy không tránh khỏi cái hại hỏng hờ và thất bại. Như: học trò không tuân kỷ luật nhà trường, trò ấy bị đuổi. Phu xe không biết luật đi xe nỏ phải hư. Thợ mộc thiếu pháp thằng mặc, thợ kia thành vô dụng.
Chẳng những loài người có Giới Luật, mà những bực cao hơn loài người như : Chư Thiên, Thanh Văn, Bồ tát và Phật, cũng nhờ giữ Giới Luật mà thành và được đến cảnh giới phúc lạc tiêu diêu, nên biết những đấng ấy, không bao giờ không Giới Luật.
Xét những hạng dưới loài người như: Súc vật, Kiến, Ong…tuồng như nó cũng biết giữ gìn qui tắc,trật tự của nó, như: Nhạn bay có hàng, Kiến bò có ngũ và chúng cũng có nghĩa chúa, tôi, cha, con, vợ, chồng ắt cũng có qui luật của chúng nó
Thế thì đủ biết, những hạng dưới loài người còn có kỷ luật, huống nữa loài người.
Đủ chứng tỏ rằng: “GIỚI LUẬT” tuy mỗi trường hợp có khác, nhưng trường hợp nào cũng không hế không Giới Luật.
Nếu một người không giới luật, thì người ấy ắt hư thân mất nết. Một gia đình không giới luật, thì gia đình ắt lộn xộn. Một nước không pháp luật nước ấy ắt hung tàng, không còn phong hóa kỷ cương gì nữa. Thế giới không qui luật ắt gây nên cuộc loạn ly ghê gớm!
Tiếng Phạn gọi “Thi La” (Sa la) tiếng Hán dịch là “Giới”
Tiếng Phạn gọi “Tỳ ni” (Vi naga) tiếng Hán dịch là “Luật”
“GIỚI”là những điều răn cấm, không nên phạm.
“LUẬT”là pháp luật, qui tắc, con đường của chúng ta noi theo để chỉnh đốn hành vi, lời nói, ý nghĩa cho được đúng phép không sai lỗi. Nếu không có Luật, thì không biết đâu mà phân xử, những tội nặng hay nhẹ, thế nào là phạm, thế nào là không phạm. Nên phạm vi chữ “LUẬT” có nghĩa bao trùm rộng lớn hơn chữ “GIỚI”. Vì tất cả “Giới”cũng là “Luật”
“GIỚI LUẬT”trong nhà Phật, cũng như “Giới Luật” của nhà chính trị ở thế gian, nhưng có phần chu tất rộng rãi và siêu xuất hơn.
Đối với Đạo Phật thì “Giới Luật” lãnh một phần đầu tiên trong ba tạng Giáo điển. (Ba tạng là Luật tạng, Kinh tạng và Luận tạng. Luật dạy về Giới; Kinh là đường ngay; Luận là phân biệt tà chính, chỉ rõ đạo lý chúng ta tu hành)
Đức Phật Thích Ca nói pháp trong 49 năm, dạy về vô số phép tu, kinh sách để lại hơn mấy nghìn quyển, nhưng tóm lại đại khái không ngoài ba phép học là: Giới, Định, và Huệ. “Giới” đã giải như trước, “Định”là Định tâm thu vọng, “Huệ” tức là trí huệ.
“GIỚI”, thuộc về Luật tạng, “ĐỊNH”thuộc về Kinh tạng, “HUỆ”thuộc về Luận tạng:
Nhân giữ Giới mà sanh Định tâm, Nhân Định tâm mà phát ra Trí Huệ. Ấy là ba món cần yếu của sự tu học. Như: cái đảnh có ba chân, thiếu một chân thời không đứng vững.
Bởi tâm chúng ta từ vô thủy đến nay do trần lao nghiệp chướng, huân ướp, quen theo huống phàm phu, quanh lộn trong trần hoàn, nhiễm ô trong vật dục, một mai muốn cho nó sáng tỏa ra, đủ cả Trí, Đức như Phật ắt không dễ gì.
Trước phải dùng Giới Luật kiềm thúc thân tâm, không cho tiêm nhiễm vào trần lao, buông tuồng theo thói quấy. Nhờ đó thu bớt được hạnh thô sơ, kế dùng thiền định trụ kềm lại, được nhiều ngày tánh thuần thục mới đem luận lý diễn bày, tâm mới trở nên sáng suốt.
Nên biết Giới Luật là một món rất cần , trong ba phép học, Dùng Giới làm đầu là do như thế.
Song Giới Luật Phật dạy rất nhiều, nhưng đây, chỉ tóm lược có các thứ:
Đại thừa Luậtnhư: Bộ Phạm Võng, bộ Lư Xá Na Phật Thuyết Bồ tát Tâm Địa Giới Phẩm, bộ Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp, bộ Phật Vị Ta Gia Ha Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa…
Tiểu thừa Luậtnhư: Bộ Sa Di thập Giới Pháp Tính Oai Nghi, bộ Phật Thuyết Sa Di Thập Giới Nghi Tắc, bộ Sa Di Ni Giới, bộ Phật Thuyết Ưu Bà Tắc Ngũ Giới tướng…
Hết thảy cộng là 72 bộ, 496 quyển
Trên đây có chia ra Tiểu Thừa Giới và Đại thừa Giới
Thế nào là Tiểu thừa Giới?
– Nếu Giới chỉ phận mình khỏi lỗi là đủ, mà không hay mở rộng để giúp ích mọi người cùng vào đường hạnh phúc, thì gọi là Tiểu thừa Giới, như Tiểu thừa Tỳ kheo giới…
Thế nào là Đại thừa giới?
– Nếu giới không lấy sự giữ minh lợi người là đủ, mà hoạt động nhiều phương pháp thiện xảo, trí huệ, hay ho, đem mình và tất cả người đồng thoát ly sông mê biển khổ, đến cảnh giới hoàn toàn an vui giác ngộ tự tại, thì gọi là Đại thừa giới, như Bồ tát giới…
Nhưng bản ý Phật chế ra giới Tỳ kheo, không phải chỉ để tự trì tự lợi, vì Ngài tùy cơ phương tiện, dìu dắt kẻ sơ tâm, khiến những người ít năng lực không chịu hoạt động, vừa với trình độ cho họ tu, chính đó là pháp Đại thừa của Phật, mà người tiểu trí phát tâm nhỏ, nhìn vào thấy là pháp Tiểu thừa của mình, chớ Bồ Tát nhìn vào thấy giới ấy vẫn là Đại thừa, nên Bồ Tát xuất gia cũng thọ Tỳ kheo giới, để giữ gìn Tăng Bảo hóa độ chúng sanh.
Nên trong hiệp chú nói:
– Nếu trước thọ tiểu thừa giới, sau phát tâm thọ Bồ tát giới, thì bao nhiêu giới Tiểu thừa trước, đều chuyển thành giới Đại thừa vậy.
Như người tại gia thọ năm giới hay tám giới mà phát tâm nhỏ hẹp tự cứu lấy mình, thì giới ấy thành ra nhỏ.
Người xuất gia thọ mười giới hay hai trăm năm chục giới, mà phát tâm Tiểu thừa, thì giới ấy cũng thành ra Tiểu thừa.
Trái lại, nếu phát tâm rộng lớn, chí nguyện lợi người mà thọ giới, thì giới ấy là Đại thừa.
Nên kinh luật dạy, trong khi thọ giới phải phát tâm cho cao thượng hoạt bát, thì được giới mới thù thắng.
Trong Đại thừa Bồ tát giới có ba phần:
1.- Nhiếp luật nghi giới – Đoạn trừ tất cả các sự ác
2.- Nhiếp thiện pháp giới –Làm tất cả điều lành
3.- Nhiếp chúng sanh giới– Nhiếp độ tất cả chúng sanh
Có đủ ba phần như trên, nên gọi là Đại thừa giới. Vẫn biết rằng vị Bồ tát từ bi quảng đại, không bỏ sót một điều làn nào, và không bỏ sót một chúng sanh nào, nên gọi bực Đại thừa Bồ Tát.
Song, nếu chỉ có một phần thứ nhát (Nhiếp luật nghi) mà không có hai phần sau, thì gọi Tiểu thừa giới. Chỉ vì người tiểu trí kia nhận thấy mà thôi,thật ra không có giới nào là tiểu thừa cả.
Vì nhiếp luật nghi tức là “nhiếp thiện pháp giới” và “nhiếp chúng pháp giới”. Nếu có điều lành lợi ích cho người, đáng làm mà không làm; gặp chúng sanh khổ não, nên độ mà không độ; Phật cho đó là tánh ác.
Đã nói rằng: “Đoạn trừ tất cả sự ác, thì tất cũng đoạn luôn tánh ác ấy”. Nếu đoạn luôn tánh ác ấy, thì tất cả có làm điều lành, và độ chúng sanh, (chớ đâu phải đoạn trứ tất cả ác là sự nhỏ), nên biết ba phần dung thông nhau cả, thì không có giới nào Tiểu thừa. Đã rõ rệt.
Đại là lớn, Tiểu là nhỏ, thừa là cổ xe, hoặc thừa là chở. Nhưchiếc xe rộng lớn, có thể chở được nhiều người. Đồng thoát ly tam giới, đồng đến Niết bàn ấy gọi là Đại thừa.
Trái lại, như một chiếc xe nhỏ, chỉ chở đủ một mình mình, thoát ly tam giới ,về đến Niết Bàn ấy gọi Tiểu thừa.
Biển giới rất mênh mông, sựlợi ích vô cùng vô tận. Nếu người trì giới được, Tam Thế Phật đều hộ trì, về sau được phước quả khôn ngằn, không sao kể xiết được
Có câu: “Giới như hải vô nhai, như bảo cầu vô yểm”.
Nghĩa là: “Giới như biển mênh mông, không bờ mé, như ngọc bán cầu không nhàm” và có câu : “Giới như đèn sáng lớn, hay tiêu tối đêm dài; Giới như chuỗi anh lạc, trau giồi pháp thân’ , Giới như mặt đất bằng , sanh ra các công đức nhưchiếc thuyền to, đưa người khỏi biển khổ. Người sáng hay giữ giới, hay đặng ba điều vui: tiếng tốt và lợi lộc, sau đặng về cõi lành. Xem hữu ích nhưthế, có trí nên hộ trì.
Trong kinh có nhiều lời tán thán Giới Luật không cùng , nên biết Giới Luật rất quí báu, Thánh Hiền đều tôn trọng.
Nếu chúng ta ra công nghiên tầm tạng luật sẽ thấy điều làm cho lòng ta sung sướng, khoái lạc, nhẹ nhàng, như gặp món thuốc rất hay, tiêu trừ bệnh phiền não và cũng như trời đêm mưa gió, mà gặp được một cái nhà tốt, an ổn vững vàng, không còn lo lắng gì nữa.
Có câu: “Tỳ Ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ. Tỳ Ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt”
Nghĩa là : “Tạng giới luật còn, thì phật pháp còn. Tạng giới luật mất, thì Phật pháp mất”. Vì giới luật là mạng sống của Phât pháp.
Đời nay, phần nhiều người học đạo, chỉ muốn tìm những lý huyền diệu cao siêu, nghe cho bùi tai, bàn cho vui miệng, mà không ưa thích giới luật, nghe đến giới luật thì cho là cũ kỷ bó buộc. Tiêu cực biếng lười, không thích hợp với trào lưu tiến hóa.
Ôi! Khác nào đi tìm châu báu trên rừng, mà món báu ở nhà mình thì quăng liệng, muốn dựng tòa lầu nguy nga, mà chê cái nền là vô ích. Bảo sao Phật pháp không suy đồi, nước nhà không nguy ngập
Trong kinh Dị Giáo, khi Phật sắp nhập Niết Bàn Ngài có dặn các Thầy Tỳ khưu rằng: “Sau khi ta diệt độ rồi, các Tỳ khưu phải y theo giới Ba la đề mộc xoa làm Thầy cũng như ta còn tại thế”. Rồi Ngài lại dặn rằng: “Nếu ta còn tại thế mà Tỳ khưu các ông không y theo giới Ba la đề mộc xoa thì cũng như ta đã diệt độ”
Thế thì đủ biết rằng: Đức Phật bao giờ cũng thương xót chúng sanh vô cùng tận. Đến nỗi giờ phút cuối cùng mà cũng không có một niệm nào quên bỏ cả. Cho nên các bực Cổ Đức Cao Tăng như Ngài Tuyên Luật Sư nghe luật tới mười hội.Ngài Huệ Hưu Pháp Sư học luật trọn đời…
Chúng ta là người bực nào mà toan thôi học. Nếu chúng ta căn tánh không bằng các bực tôn túc thuở trước, thì tùy theo ta thọ giới bực nào, cũng rán mà học cho thuộc bộ Luật của giới ấy.
Như quý vị Sa di thì học bộ Sa Di Luật Giải và 24 thiên “oai nghi” này lần đi. Chừng thọ lên Tỳ khưu thì học bộ Luật Tứ Phần, đến khi thọ Bồ tát giới thì học cho rành bộ Phạm Võng, đặng để làm căn bản tu hành, hầu mong dứt bỏ trần lao mà nối gót theo Phật và Tổ.
Vậy mới đáng gọi là con hiền cháu thảo, hoài bảo gia nghiệp của Đức Như Lai