Công trình khảo sát thâm sâu
Tại sao gọi là Huyền Thoại? Sau khi kể chuyện những huyền thoại trong lịch sử nhân loại, từ Tây sang Đông, trong bài Tựa Tuệ Sỹ đã giải thích, chữ huyền thoại dùng ở đây không phải là chuyện của các vị thần, “… đó là ngôn ngữ ẩn dụ để nói những điều không thể nói” (trang 15). “Kinh … cũng có tên là Bất Tư Nghị Giải Thoát, vì ngôn ngữ và hành vi của Duy Ma Cật được ghi chép trong đó là những điều không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ luận lý, cũng không thể tư duy, nhận thức bằng tập quán tư duy của người thường” (trang 18). Nhưng, Bồ Tát Duy Ma Cật cũng được giới thiệu là một người “lăn lóc trong trường đời” cho nên “Huyền Thoại Duy Ma Cật là chuyện thường ngày của mọi sinh linh, tự biết đang đổi thay trong từng khoảnh khắc, nhìn rõ vô biên trong hạt cát” (trang 21).
Những người đọc của Tuệ Sỹ nên có bên cạnh bản dịch kinh này, tốt nhất là bản dịch của cùng tác giả. Vì trong cuốn Huyền Thoại tác giả đã đi xa hơn những lời chú thích rất uyên bác trong bản Việt dịch của ông, ông dẫn chúng ta vào áo nghĩa của kinh, dùng tài năng thiên phú của một nhà văn và một học giả.
Huyền Thoại Duy Ma Cật trước hết là một áng văn rất đẹp, của một nhà nghệ sĩ của ngôn ngữ và thông thạo nhiều tiếng nói. Tác giả đã tự do buông trí tưởng để nối kết các diễn giải của mình với thơ văn của bao nhiêu tác giả khác để người đọc cũng có dịp bay bổng trong nhiều bầu trời trí tuệ. Với con mắt của một nhà nghệ sĩ, tác giả đã nhìn thấy tính chất “kịch” trong các phẩm kinh Duy Ma Cật, mỗi phẩm là một màn kịch. Cảnh các thiên nữ tán hoa được tác giả giới thiệu như trên một sân khấu xuất hiện giữa các đối kháng đầy kịch tính. Những câu đối thoại giữa Xá Lợi Phất và các thiên nữ đưa người đọc tới những lý giải sâu xa, tư tưởng Phật giáo đã hiện lên dưới hình thức văn chương. Đọc Huyền Thoại Duy Ma Cật chúng ta thấy như người viết đang sống trong các màn kịch đó và kể lại cho chúng ta nghe. Tuy nhiên, người nghệ sĩ Tuệ Sỹ cũng là một nhà nghiên cứu Phật học, cho nên chúng ta còn được thấy nhiều hơn nữa.
Cống hiến của Tuệ Sỹ cho những người nghiên cứu hoặc tu tập kinh Duy Ma là công trình khảo sát rộng rãi và thâm sâu của một học giả với kiến văn quảng bác trong nhiều lãnh vực và thông thạo nhiều ngôn ngữ.
Thí dụ như một chữ “loại” trong câu “Chúng sinh chi loại thị bồ tát đạo” được Tuệ Sỹ tham khảo ý kiến của các ngài Trạm Nhiên, Huyền Trang và Khuy Cơ. Một câu đối thoại trong phẩm Bồ tát, Khi Duy Ma Cật trả lời Quang Nghiêm Đồng Tử (Hỏi: Ông từ đâu tới), Trả lời: Từ đạo tràng về), hai chữ “đạo tràng” đã được Tuệ Sỹ giải thích cặn kẽ. Xin đọc lời tác giả:
“Đạo tràng, tức Kim cang tòa, nơi chư Phật ngồi và thành tựu đại giác. Huyền Trang không dịch là ‘Đạo tràng’ hay ‘Bồ đề tràng’ mà dịch là ‘diệu Bồ đề’. Đây là nghĩa thứ hai của từ Phạn (chú thích bodhimanda, ghi chú thêm chữ dịch tiếng Tây Tạng, và giải nghĩa) … Huyền Trang nhấn mạnh ý nghĩa thứ hai, nhưng danh từ đảo vị, thay vì ‘Bồ đề diệu’ nói là ‘diệu Bồ đề’ nên các chú giải tập trung vào ý nghĩa Bồ đề thay vì ‘diệu’ tức tinh hoa, hay thượng vị.”
“La Thập dịch là ‘đạo tràng’ nên các chú giải theo đó tập trung trên ý nghĩa thành Phật thay vì nêu rõ khởi điểm của Bồ tát đạo. Trong kinh văn, câu trả lời của Duy Ma Cật về ý nghĩa ‘Bồ đề thượng vị’ đã khá rõ: trực tâm, phát hành, thâm tâm và Bồ đề tâm là Bồ đề thượng vị … Điều mà La Thập dịch là trực tâm, Huyền Trang gọi là thuần trực ý lạc, trong nguyên văn tiếng Phạn nên hiểu là ý chí hướng thượng … Nguyên Phạn văn nói, ‘Thượng vị của ý chí hướng thượng là thượng vị của Bồ đề. Ý nghĩa như vậy cũng khá rõ …” (trang 134).
Qua đoạn văn trên, tác giả cho người đọc một dịp đi qua những bản dịch khác nhau. Một đặc điểm khác thấy trong tác phẩm là công phu tham khảo các bản chữ Phạn, chữ Tây Tạng và chữ Hán còn truyền lại, nhờ thế Tuệ Sỹ đã bổ túc được nhiều thiếu sót trong các bản dịch cũ bằng Hán văn. Những tìm kiếm, phân tích và biện giải của Tuệ Sỹ sẽ giúp những người muốn tu tập theo Kinh Duy Ma được dịp hiểu đầy đủ và sâu hơn.
Thí dụ trong phẩm Bất Động Như Lai, Tuệ Sỹ cho biết bản dịch của La Thập không có đoạn Xá Lợi Phất đặt câu hỏi với Đức Phật về tiền kiếp của Duy Ma Cật, rồi được Phật khuyên hãy hỏi thẳng Duy Ma Cật, “ông diệt nơi đâu mà thọ sanh nơi đây?” Trong bản La Thập, Xá Lợi Phất trực tiếp hỏi ngay Duy Ma Cật. Vì thiếu mấy câu trước đó cho nên, Tuệ Sỹ viết: “Các bản chú giải Trung Hoa dựa trên bản dịch này không biết đến ý nghĩa trực tiếp và gián tiếp trong câu vấn đáp này.” Tuệ Sỹ còn nhận thấy, “Các bản Hán dịch có hơi khác với bản Phạn …” Sau đó, tác giả ghi chú và giải thích thêm câu chữ Phạn còn thiếu giúp độc giả nhìn thấy (trang 303).
Chúng ta thường tiếp nhận kinh Phật qua mấy tầng dịch, từ bản Phạn hoặc Tạng văn sang Hán văn, rồi từ Hán văn sang tiếng Việt. Nhiều dịch giả chỉ theo một bản dịch của Chi Khiêm, La Thập hoặc Huyền Trang, và hiểu các từ được các ngài sử dụng khi phiên dịch, hiểu theo nghĩa thông thường, có khi bỏ sót hoặc có thể hiểu lầm. Có dịp đọc nhiều văn bản trong nhiều ngôn ngữ, Tuệ Sỹ giúp chúng ta cởi bỏ được nhiều lầm lẫn, tìm đến gần gũi với cư sĩ Duy Ma hơn.
Một nhà Phật học uyên áo như Tuệ Sỹ dẫn chúng ta đi xa, vào sâu và thấy rộng hơn là nếu chỉ tiếp cận với các bản dịch được chú thích sơ sài. Vì tác giả không chỉ làm công việc chú giải mà còn tham khảo nhiều kinh văn để thấy những điều bổ túc lẫn nhau. Trong phẩm Đệ Tử (Huyền Trang dịch tên phẩm là Thanh Văn) chúng ta được gặp các vị la hán đại đệ tử của Đức Phật. Mỗi vị, khi được Phật yêu cầu đến thăm cư sĩ Duy Ma Cật nằm bệnh đều thoái thác và nêu lý do. Muốn hiểu rõ các lời biện bạch đó, người ta cần biết hành trạng của mỗi vị la hán, như đã được giới thiệu trong các kinh điển khác. Đối với mỗi vị đại đệ tử của Phật, Tuệ Sỹ đã tham khảo và dẫn chứng nhiều dữ liệu về từng vị, lấy trong rừng kinh điển, mỗi lời dẫn đều được chú thích đầy đủ cho các học giả sau này tham cứu. Không những tác giả giải thích thêm về các nhân vật đó, ông còn nhân mỗi nhân vật mà giải thích ý nghĩa các lời phát biểu của Duy Ma Cật, so sánh với các câu trong các kinh bản khác, thuộc truyền thống Nam tông cũng như Bắc tông. Có thể chỉ đọc một cuốn sách Huyền Thoại Duy Ma Cật mà người đọc đã được người viết dẫn đi qua nhiều khu rừng Phật học bao la.
Tuệ Sỹ viết: “Có lẽ Duy Ma Cật là kinh Đại thừa đầu tiên nêu rõ con số tròn trịa mười Đại đệ tử; các kinh khác về sau y theo đó… Cát Tạng (ghi chú, trong Duy Ma Kinh Nghĩa Sớ …) phân mười vị thành ba nhóm. … Trạm Nhiên (ghi chú, theo Duy Ma Kinh Lược Sớ) lại có cách giải thích khá lạ lùng về mười đại đệ tử … đặt mỗi vị biểu tượng cho một tâm sở. … Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh thật sự là một vở kịch trong đó mỗi nhân vật tượng trưng cho một giá trị nào đó ngoài đời. …”
Trong những chú thích khi viết Huyền Thoại Duy Ma Cật, Tuệ Sỹ cũng có lúc góp ý kiến chỉnh đốn các bản Hán dịch của những kinh điển Phật giáo khác. Dù chỉ là những chú thích bên lề câu chuyện chính, nhưng các ý kiến chỉnh đốn này, mà tác giả đã thu thập được trên đường tìm học hoặc đã tự tìm ra, giúp cho các nhà Phật học biết rõ được nhiều điều hơn. Như tại trang 300, có trích dẫn một câu của Long Thọ Bồ tát, “Chúng nhân duyên sinh pháp, ngã thuyết tức thị không, diệc vi thị giả danh, diệc thị trung đạo.” Tuệ Sỹ nhận xét “Cách dịch (trong Hán bản này) khiến các nhà giải thích phổ thông hiểu rằng: pháp sinh bởi nhân duyên, pháp ấy là không, là giả danh, là trung đạo.”
Tuệ Sỹ đã dẫn ra bản Phạn văn gốc để so sánh, và ông thấy, “Nhưng trong Phạn bản, không phải (nói) pháp duyên khởi là giả danh và trung đạo; mà tính Không là giả danh và trung đạo.” Ông giải thích theo văn phạm, ngữ pháp, “Đại từ ‘sa’ trong nửa tụng dưới là một từ thuộc ‘giống cái,’ không thể thay thế cho từ … ‘duyên khởi’ vốn là giống đực. Tất nhiên nó thay thế từ … ‘tính Không’ vì từ này là giống cái. Xem chú giải của Candrakirti…” (Chúng tôi lược bỏ các chữ Phạn trong nguyên văn).
Giải những mâu thuẫn đối kháng
Khi dịch và giải nghĩa Kinh Duy Ma Cật, nhiều người thường chú ý đến sự đối kháng về tư tưởng giữa một bên là các vị la hán, một bên là cư sĩ Duy Ma Cật. Phải nói là những người biên soạn kinh này cố ý làm nổi bật tính đối kháng đó. Cảnh các vị la hán đại đệ tử của đức Phật vừa lên tiếng là bị Duy Ma Cật bác bỏ, những cảnh Duy Ma Cật làm phép thần thông trước mắt các vị la hán, khiến cho nhiều người chỉ chú ý đến khía cạnh đối kháng mà thôi. Nhân đó, có người còn tiện dịp đề cao giáo lý đại thừa, nêu lên những ưu việt so với con đường tu tập bị coi là tiểu thừa, giống như khi đối chọi khuynh hướng cải cách và khuynh hướng bảo thủ, so sánh thái độ cấp tiến và thái độ thủ cựu, vân vân. Nhưng khi chú ý quá nhiều đến tính đối kháng, chúng ta cũng đi lạc vào thế giới phân biệt, xa rời chủ ý bất nhị của kinh.
Tuệ Sỹ đã giúp dẫn đường cho người đọc kinh thấy tính chất huyền thoại của câu chuyện và vượt lên trên tinh thần đối kháng đó. Thí dụ như về cảnh Xá Lợi Phất gặp Duy Ma Cật, Tuệ Sỹ viết, “Một chi tiết nhỏ trong bản dịch của Huyền Trang bị xem là bị lược bỏ trong bản của La Thập, cho thấy … khi đến với Xá Lợi Phất, trước khi mở cuộc đối thoại về ý nghĩa xuất ly, Duy Ma Cật, con người lừng danh trong vô vàn đại thiên thế giới ấy, cúi lạy dưới chân Xá Lợi Phất, tỏ lòng cung kính như đối với chư Phật.” (trang 80). Trong chú thích dưới trang này, Tuệ Sỹ còn cho chúng ta biết ý kiến của Khuy Cơ phê bình La Thập khi lược bỏ đoạn này. Ngoài ra, Tuệ Sỹ cho biết trong tạng Sanskrit và bản dịch tiếng Tây Tạng cũng không có chi tiết này, nhưng trong đoạn A Na luật bản dịch của Huyền Trang thì có.
Một đoạn khác, về Ma Ha Ca Diếp, những lý giải của Tuệ Sỹ có thể cời trói tư duy cho những người nhìn bằng con mắt đối kháng. Tuệ Sỹ dẫn chứng Tạp A Hàm kể lại Ca Diếp được Phật mời vào ngồi chung một nửa chỗ ngài ngồi, “Chưa từng thấy ai được Phật mời ngồi chung như thế.” Tiếp theo, Tuệ Sỹ dẫn lời Phật nói, “Chỉ có tỳ kheo Ca Diếp, tầm thường như vậy, không bị dính mắc, không bị trói buộc, không bị nhuộm dơ, mới xứng đáng vào nhà người” – để khất thực. Với những điều dẫn chứng đó, người đọc kinh sẽ nhớ lại những lời mà Duy Ma Cật nói với Ca Diếp, mới đọc thì tưởng như những lời thầy dậy học trò. Tuệ Sỹ viết: “Điều mà Duy Ma Cật yêu cầu, ‘an trụ nơi pháp bình đẳng,’ há Phật đã chẳng nói ‘Tâm Ca Diếp cũng bình đẳng hư không?’ Điều mà Duy Ma Cật nói, ‘Thấy sắc như mù, thấy tiếng như vang …’’ há Phật không nói ‘Tâm Ca Diếp không dính mắc, không hệ phược, không nhiễm ô?’ … Mới nghe ra, Ông (Duy Ma Cật) hình như chỉ trích Ca Diếp bằng những điều mà chính Phật đã ca ngợi … Vậy (những lời) phê bình của Ông có ý nghĩa gì?” Và Tuệ Sỹ kết luận: “Ngôn thuyết của Bồ Tát thật bất khả tư nghì, mà sở hành của thanh văn cũng không phải ít bất khả tư nghì hơn.” (trang 90).
Tuệ Sỹ đã nhìn kinh Duy Ma Cật dưới hình thức những kịch bản, những “huyền thoại” cho nên giúp người học kinh tự cởi trói khỏi lối nhìn đối kháng, ngay trong lối nhìn đối lập giữa bồ tát và thanh văn, giữa đại thừa và tiểu thừa, để thấy những điều vượt lên trên ngôn ngữ tầm thường. Cũng vậy, khi bàn đến phẩm Cửa Bất Nhị, là yếu chỉ của kinh Duy Ma, Tuệ Sỹ cũng nhìn câu hỏi của Văn Thù và thái độ im lặng của Duy Ma Cật bằng con mắt thoát khỏi cách nhìn đối kháng. Sau khi các vị bồ tát phát biểu về pháp môn bất nhị, đến lượt Văn Thù, “Theo ý tôi, vô ngôn vô thuyết, vô thị vô thức, lìa nơi vấn đáp, ấy là pháp môn bất nhị.” Và Văn Thù hỏi ý Duy Ma Cật thế nào là pháp môn bất nhị. Duy Ma Cật im lặng. Và Văn Thù tán thán: Lành thay! Lành thay!
Người đọc Kinh Duy Ma Cật có thể nghĩ rằng vị cư sĩ này đã vượt lên trên cả các vị bồ tát và Bồ Tát Văn Thù khi im lặng và mỉm cười không nói, trong khi chính Văn Thù còn vận dụng tới lời nói. Nghĩ như vậy là đọc kinh mà bị vướng trong ngôn ngữ. Tuệ Sỹ nhìn từ phía khác: “Trước sự im lặng của Duy Ma Cật là cách diễn đạt của Văn Thù. Sau sự im lặng của Duy Ma Cật cũng là lời diễn đạt của Văn thù. Cả hai, Thánh mặc nhiên và Thánh ngôn ngữ, đều cùng hiển thị một thật tướng duy nhất, thật tướng ly ngôn.” Tuệ Sỹ giải thích, “nếu không có minh giải của Văn Thù, sự im lặng của Duy Ma Cật trở thành vô nghĩa.”
Trong lời tựa của tác phẩm Huyền Thoại Duy Ma Cật, Tuệ Sỹ đã dẫn lời Đức Khổng Tử, “Thiên hà ngôn tai?” Trời có nói gì đâu? Nhưng cuối cùng thì thánh nhân cũng vẫn phải đi qua cõi ngôn ngữ. Thánh nhân cũng phải bước vào thế giới bụi bậm thì mới có cơ hội giúp phàm nhân. Tuệ Sỹ đã nhìn cảnh Xá Lợi Phất vào nhà Duy Ma Cật thì hỏi có chỗ nào để ngồi hay không, trước khi nghe bàn về đạo thì hỏi quý vị bồ tát sẽ có gì để ăn uống; và Tuệ Sỹ thấy những câu hỏi đó chứng tỏ các bậc trí giả cũng không xa lìa cõi nhân sinh. Phải coi những màn kịch trong Kinh Duy Ma Cật với con mắt của người nghe huyền thoại. Có như vậy mới tự giải phóng tâm tư khỏi những mâu thuẫn đối kháng.
Cuốn sách hơn 300 trang của Tuệ Sỹ là một viên ngọc quý trong kho tàng văn học Phật giáo thời nay, của người Việt Nam hay của cả thế giới. Thượng tọa Thích Nguyên Siêu, chùa Phật Đà tại San Diego, California, giới thiệu sách này khi xuất bản ở hải ngoại, đã nguyện cầu tất cả loài người “nếm được giọt hương Pháp của chất vị Giải thoát” nhờ cuốn sách này. Đó cũng là nguyện ước của những người may mắn được đọc cuốn sách của Tuệ Sỹ.
Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ tục danh là Phạm Văn Thương, sinh năm 1941, hiện ở chùa Già Lam, Sài Gòn. Năm 1978 ông đã bị bắt đi cải tạo bốn năm. Năm 1984 ông bị bắt cùng Thượng tọa Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát, và bốn năm sau hai ông bị kết án tử hình, nhưng sau những lời phản đối trong dư luận quốc tế, được giảm xuống thành án 20 năm tù. Năm 1998 hai ông được “tạm tha.” Hiện Thượng tọa Tuệ Sỹ tiếp tục trứ tác tại chùa Già Lam, sống trong tình trạng quản thúc. Giáo sư Lê Mạnh Thát đã xuất bản nhiều tác phẩm về lịch sử và văn học Phật giáo Việt Nam, đã được một hội nghị Phật giáo Thế giới tại Bangkok ủy nhiệm đứng đầu ban tổ chức lễ Phật Đản 2552 tại Việt Nam trong năm tới, lần đầu tiên được tổ chức tại nước ta cho các nước khác cùng đến dự.
(Tạp chí Đàn Thế Kỷ)