LỜI NGỎ
Chúng sinh vốn sẵn đủ trí tuệ, đức tướng của Như Lai, nhưng vì mê lầm lãng quên tánh biết sáng suốt nơi chính mình, chạy theo vọng tưởng trần lao, gây tạo các thứ nghiệp nên luân hồi trong sáu nẻo. Làm nghiệp lành thì sinh nơi cõi A-tu-la, Người, Trời; gây nghiệp ác thì đọa vào Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Rốt cuộc, chỉ là khổ thôi!
Đức Phật từ bi vô hạn, xuất hiện nơi đời, chỉ dạy vô lượng pháp môn để cứu thoát chúng sinh đang chìm đắm trong biển khổ sinh tử mênh mông, đặt để lên bến bờ Niết-bàn an vui giải thoát.
Pháp môn tuy nhiều nhưng tìm một pháp ổn thỏa, thẳng tắt, thích hợp mọi căn cơ thì không gì hơn niệm Phật. Trên từ hàng Bồ-tát Đẳng giác, dưới đến kẻ phàm phu dẫy đầy phiền não, đều tin tưởng hướng về. Pháp tu này, người trí quyết tâm niệm Phật hiện đời vào sâu Tam-muội, kẻ ngu chỉ cần mười niệm thành công về nơi chín phẩm.
Thế nên, bao đời chư vị Tổ sư, Cao tăng, Đại đức, trước tác soạn thuật, hoằng dương Tịnh độ, sách luận rất nhiều, nhằm để nối tiếp tâm nguyện Phật, dẫn dắt muôn loài đồng về cõi Tịnh. Trong đó, quyển Liên Tông Bảo Giám do Đại sư Ưu Đàm soạn thuật được xem là chiếc thuyền lớn của việc xiển dương Tịnh nghiệp.
Sách này là chiếc gương quý báu soi sáng cho người niệm Phật, khiến ai nấy đều thấu rõ đường lối tu hành, nhận chân được giá trị lớn lao của pháp môn Tịnh độ, phá tan mê lầm, bỏ tà về chánh, chống đỡ ngôi nhà Phật pháp trong lúc nguy nan, xua tan mây mù u ám, để mặt trời trí tuệ Phật soi sáng muôn nơi, chúng sinh đều thấm nhuần mưa pháp.
Tôi lúc mới vào đạo, đã xem qua Mấy Điệu Sen Thanh do HT. Thiền Tâm phiên dịch nên biết được đại khái phần nào giá trị của bộ Liên Tông Bảo Giám. Vả lại, nhận thấy tài liệu về Tịnh độ ở Việt Nam chưa nhiều, nơi lòng ấp ủ tâm nguyện mong muốn góp sức vào việc phiên dịch để phổ biến. Vào năm 2002, nhân lúc an cư tại trường Hạ chùa Bửu Liên (Q. Bình Thạnh), tôi gặp thầy Minh Thành, được biết thầy thông thạo về Hán cổ nên mong thầy phát tâm chuyển ngữ những bộ sách Tịnh độ trong Hán tạng sang Việt văn. Từ đó, các huynh đệ đồng lòng góp sức, những dịch phẩm lần lượt ra đời. Đến khi có được trong tay bộ Liên Tông Bảo Giám bằng chữ Hán, chúng tôi quyết tâm phiên dịch sang tiếng Việt nhằm đem lại lợi ích rộng sâu cho người tu Tịnh nghiệp. Thời gian trải qua 3 năm, lúc hoàn thành, tôi cầm bản thảo xem đi xem lại năm bảy lượt, nơi lòng dâng tràn niềm cảm xúc sâu xa khi đọc đến đoạn: “Đời vua Nguyên Thành Tông, xuất hiện nhóm người mạo danh Liên tông, làm điều tà vạy, bẻ cong chánh pháp, gây loạn trong nước. Triều đình ban chiếu chỉ nghiêm cấm Liên tông hoằng hóa. Đại sư Ưu Đàm đem hết tâm tư soạn thuật 10 quyển Liên Tông Bảo Giám, kính cẩn tự phát tâm lập nguyện, y theo số chữ trong ấy, mỗi chữ lạy ba lạy, mỗi lạy tụng tâm chú Lăng-nghiêm một lần, xưng tôn hiệu Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát ba lần. Ngài tha thiết mong chư Phật xót thương gia hộ, khiến cho tà ma ngoại đạo quy y, chân thừa được lưu bố rộng rãi. Sau đó, Ngài đích thân lên kinh đô, vượt đường xa ngàn dặm, không ngại gian khổ, đem sách này dâng lên Hoàng đế. Nhà vua xem xong khen ngợi, bãi bỏ lệnh cũ, cho phép in ấn lưu hành rộng rãi”.
Thật tôn kính biết bao! Đại sư Ưu Đàm ý chí ngất trời, dùng mắt tuệ viết nên sách này, tâm thành cùng cực, vì pháp quên cả thân mạng, quyền uy không khiếp phục, dốc sức mở bày chánh pháp, dẫn dắt mọi người đồng về nẻo giác. Với tâm này, nên Sư mới đạt thành chí nguyện như thế!
Chúng tôi chỉ mong những ai có duyên đọc qua, hoặc thấy hoặc nghe, bao người tu tập pháp môn Tịnh độ đều là bạn sen thân thiết với chúng tôi, cùng nhau quyết tâm tu hành, dốc sức niệm Phật không thối chuyển, để đền đáp phần nào công ơn sâu nặng của Phật, Tổ.
Dịch phẩm hoàn thành dưới sự chứng minh của HT. thượng Trí hạ Tịnh (viện chủ chùa Vạn Đức), sự tận tâm giúp đỡ của ĐĐ. Thích Chân Tính (Trụ trì chùa Hoằng Pháp) cùng chư pháp hữu ĐĐ. Tâm Huệ, Phật tử Tâm Hoa, Hoằng Trạng… biết bao tấm lòng vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh nên công việc sớm được thành tựu.
Trong khi phiên dịch, không sao tránh khỏi sai lầm sơ thất, mong chư tôn đức niệm tình chỉ dạy cho. Thành kính tri ân vô lượng!
Chùa Huệ Viễn, 14/10/2008
Thích Pháp Đăng kính ghi
—o0o—
Đại sư Ưu Đàm, người đời Nguyên, họ Tưởng, quê ở Đơn Dương, gia thế thường thờ Phật. Mười lăm tuổi, Ngài xuất gia nơi chùa Đông Lâm ở Lô Sơn, tỉnh Giang Tây. Về sau, được mời trụ trì chùa Diệu Quả tại Đơn Dương. Năm đầu thời Nam Tống (1127), ngài Từ Chiếu sùng mộ di phong Bạch Liên Xã của Tổ Huệ Viễn, nên đề xướng thành lập một đoàn thể chuyên tu niệm Phật cho những người dân thường, gọi tên Bạch Liên Tông (tên gọi khác của Tịnh Độ Tông). Nhưng vì đệ tử Ngài là Xà-lê Tiểu Mao bóp méo giáo lý, khiến cho cuối đời Tống, tông này bị cho là tà đạo.
Đến đời Nguyên, lại có một hội tên Bạch Liên do Đỗ Vạn Nhất ở huyện Đô Ấp, tỉnh Giang Nam thành lập, bị triều đình xem là loạn tặc nên đàn áp, đồng thời ngăn cấm không cho gọi tên Bạch Liên Hội và tất cả việc tà đạo làm rối loạn nước nhà. Đứng trước tình thế này, năm đầu niên hiệu Đại Đức (1305), đời vua Nguyên Thành Tông, Đại sư Ưu Đàm đem hết tâm tư soạn thuật mười quyển Liên Tông Bảo Giám, làm rõ giáo nghĩa chân thật của Liên tông do ngài Từ Chiếu đề xướng, đồng thời phá dẹp tà thuyết, tà hạnh của Bạch Liên Hội đương thời.
Năm đầu niên hiệu Chí Đại (1308), do Bạch Liên Đạo Nhân thuộc Bạch Liên Đường ở tỉnh Phước Kiến làm việc sai quấy, vua lại xuống chiếu bãi bỏ Liên tông. Đại sư Ưu Đàm đích thân đến kinh đô dâng sách này lên Hoàng Đế Nhân Tôn, cầu xin phục hưng giáo pháp Tịnh độ. Vua xem xong bèn chuẩn y và cho phép in ấn lưu hành, dạy Ngài làm giáo chủ, ban cho hiệu Hổ Khê Tôn Giả.
Năm đầu niên hiệu Thuận Hóa (1330), Đại sư an tường ngồi niệm Phật vãng sinh.
Theo Mấy điệu Sen Thanh,
Phật Quang Đại Từ Điển
—o0o—
LỜI TỰA
Trong pháp giới tánh chân thật, chúng sinh và chư Phật bình đẳng, không đồng không khác. Nơi tâm sáng suốt nhiệm mầu, ô nhiễm và thanh tịnh dung nhau, chẳng phải một, chẳng phải hai. Thế nên, mỗi hạt bụi đều là Tịnh độ, phương khác và cõi này đồng là thế giới Cực Lạc; mỗi niệm đều là Di-đà, bò, bay, máy, cựa đồng là Pháp thân chư Phật. Nhưng vì tình cảm phát sinh nên trí tuệ bị ngăn cách, tư tưởng vừa biến hiện thì bản thể đã sai khác. Tâm theo sự dời đổi sinh trụ dị diệt, nên cảnh có cao thấp, hầm hố, gò nổng. Thế nên, cõi nước thanh tịnh hay thế giới cấu uế, đau khổ và an vui có khác biệt. Chúng sinh và chư Phật, phàm Thánh không đồng, nên dẫn đến sáu nẻo mịt mù, trôi lăn trong chín cõi. Bốn loài lũ lượt thăng trầm nơi ba đường, từ mê vào mê, từ khổ đến khổ, trải qua số kiếp nhiều như cát bụi cũng không có ngày giải thoát.
Do vậy, đức Phật mở môn phương tiện dạy về Niệm Phật Tam-muội , chỉ rõ Tịnh độ làm nơi trở về. Bảo rằng Niệm Phật Tam-muội, Phật nghĩa là bậc Giác ngộ. Tự mình giác ngộ, lại giác ngộ cho người, thực hành hạnh giác ngộ viên mãn, nên gọi là Phật, ví như người ngủ tỉnh giấc, như hoa sen nở.
Vì muốn cho chúng sinh tự soi sáng lại mình, được tịnh niệm tiếp nối, lâu ngày thuần thục dứt trừ hết mọi mê lầm và nghiệp chướng. Một niệm không sinh thì đoạn dứt mé trước sau. Tỏ ngộ tánh giác này, thì bên trong không có tâm hay niệm, bên ngoài không có cảnh được niệm; năng sở đều quên, chúng sinh với Phật không hai, cho nên gọi là niệm Phật.
Tiếng Phạn Tam-muội, nghĩa là chánh định, là nhớ chuyên, tưởng lặng, thần trí sáng suốt nhiệm mầu.
Trong kinh nói: “Nếu có người niệm Phật, nên biết đó là hoa sen trắng trong loài người”. Tổ sư Huệ Viễn thời Đông Tấn, nhân nghe Pháp sư Đạo An giảng kinh Bát-nhã mà hoát nhiên đại ngộ, vào trong vô lượng Tam-muội thâm sâu. Ngài đến Lô Sơn dạo cảnh và về sau ở lại đó, cùng với các cao tăng, triều sĩ kết duyên tu hành. Ngài từng nói: “Những tên gọi của Tam-muội trong giáo pháp có rất nhiều, nhưng công đức cao dễ tiến tu, niệm Phật đứng đầu”. Nhân đó, đặt tên cho xã là Bạch Liên. Ngài Huệ Viễn bèn trước tác lời tựa của quyển Niệm Phật Tam-muội. Đây vốn là để xiển dương nghĩa lý này.
Đại sư Trí Giả ở Thiên Thai phân định giáo pháp, bảo rằng: “Kinh Quán Vô Lượng Thọ là giáo lý chân thật sau cùng của Đại thừa, dùng ba pháp quán lóng lặng tâm tư”. Đây vốn là để hiển bày yếu chỉ của niệm Phật.
Tôn giả Pháp Chiếu lễ Bồ-tát Văn-thù cầu chỉ dạy, vốn là để chỉ dạy pháp này.
Thiền sư Tỉnh Thường kết duyên tịnh hạnh. Tể tướng, công khanh quy hướng cùng tu hành, vốn là tu về đạo này.
Thiền sư Trường Lô Sách kết Liên Hoa Thắng Hội, cảm ứng hai vị Bồ-tát Phổ Hiền và Phổ Tuệ vào hội. Đây vốn là để chứng minh đạo này.
Tông chủ Từ Chiếu do sức bản nguyện thị hiện nơi thế gian, phát tâm hóa độ rộng lớn, dẫn chúng sinh từ nơi quyền biến đi đến chỗ chân thật, tùy cơ giáo hóa. Đây vốn là muốn khiến cho các hạng căn cơ bén nhạy và chậm lụt đều tỏ ngộ đạo này. Ngài biên tập Bạch Liên Sám, mở ra họa đồ bốn cõi, lấy Tín, Nguyện, Hạnh làm tư lương, lấy Giới, Định, Tuệ làm chính yếu. Đây vốn là để thiết lập Chánh tông của pháp niệm Phật này.
Vua Tống Cao Tông đích thân đề xướng hai chữ Liên Xã. Đây vốn là tôn sùng pháp môn này.
Thiền sư Viên Ứng Nhật ở Đông Nham Thiền Tự được Hoàng Đế ban Thánh chỉ: “Trụ trì đạo tràng, sửa sang chùa chiền, biên tập truyện của các bậc Hiền, noi theo gương xưa chấn chỉnh lại giềng mối, bắc chiếc cầu đại pháp, gọi là Tông Viễn (noi theo Tổ sư Huệ Viễn), khai mở đạo Tổ”. Mười tám năm ngoài việc đề xướng kinh pháp thiền, Ngài thường lấy pháp Niệm Phật Tam-muội chỉ dạy Người, Trời. Đến mùa thu, năm Nhâm Thìn (1292), niên hiệu Chí Nguyên đời Nguyên, nhận lời mời của Quảng Lợi Thiền Tự ở núi Dục Vương, phủ Khánh Nguyên, nhường đạo tràng Khai Tiên lại cho Thiền sư Duyệt Đường Ngân tiếp nối trụ trì.
Tháng giêng năm đầu niên hiệu Nguyên Trinh, lại có Thánh chỉ ra lệnh hộ trì giáo pháp ở Liên Tông Thiện Pháp Đường. Tháng giêng năm thứ hai (1295), niên hiệu Nguyên Trinh (1295) đời Nguyên, được nhà vua ban hiệu là Đại sư Thông Tuệ Chánh Tông Liên Xã, lại còn được ban tặng ca-sa kim tuyến. Vào tháng mười, năm thứ năm, niên hiệu Đại Đức (1301) đời Nguyên, khâm phụng Thánh triều. Nhà vua ban ngự hương, phan vàng đến chùa.
Từ đời Tấn đến nay gần một ngàn năm, cảm ân đức này, phương xa cõi khác, hoặc hiền hoặc ngu đều theo sự giáo hóa, mọi người đồng lòng niệm Phật.
Ngưỡng chúc Hoàng Đế thánh thọ vạn an, thiên hạ thái bình, pháp luân thường chuyển, đất nước an lạc tợ thời vua Nghiêu, vua Thuấn. Ngay nơi cõi này trở thành thế giới Cực Lạc.
Ưu Đàm này lạm dự vào dòng họ Thích, mà không lợi ích cho Phật pháp. Từng thấy những người tu học theo Liên tông , nhưng chưa am tường tông chỉ của pháp niệm Phật, bỏ gốc theo ngọn, chấp tướng tu hành. Chánh nhân Tịnh nghiệp dường như mất hết, đều là những người ôm báu vật quên mất cố hương, trái với chân thật, hướng theo giả dối. Những người tu theo pháp này rất nhiều, người đủ chánh kiến chẳng có mấy ai, đến nỗi khiến cho những kẻ thượng mạn xem thường đạo Phật.
Thật đáng buồn thay! Cách xưa đã xa, người tu trong giáo pháp lâu dần sinh tệ. Chánh đạo càng suy yếu, tà pháp ngày thêm mạnh mẽ. Mọi người phần nhiều hiểu biết sai lầm, đi vào đường tà. Họ chẳng suy xét một môn Tịnh độ chính là đường tắt ra khỏi luân hồi. Pháp môn này thẳng như dây đàn, sáng tợ vầng nhật. Yếu chỉ ở nơi kinh sám, nếu không gặp minh sư chỉ dạy thì giống như đám người mù rờ voi. Ai nấy đều nói sai khác, từ tối vào nơi tối, mãi bị tà kiến ràng buộc. Thật đáng tiếc thay!
Hôm nay, may mắn gặp được nhà vua có tâm Phật, dùng chánh pháp sửa trị đời. Kịp lúc vua tôi gặp gỡ, Phật pháp được lưu thông. Đâu không dùng pháp môn Niệm Phật Tam-muội của Tổ sư chỉ bảo Người, Trời, làm mắt sáng cho tương lai, khiến cho mọi người đồng ngộ nhập Tri kiến Phật. Tôi bèn chuyên tâm nơi Tịnh độ, tìm xét chỗ xâu xa của giáo nghĩa Liên tông thuở trước, biên tập những lời thiết yếu gọi là Bảo Giám (chiếc gương quý báu), để soi sáng chân ngụy, gồm 10 thiên:
01. Chánh nhân niệm Phật: nghĩa là vào nhà ắt từ nơi cánh cửa.
02. Chánh giáo: chỉ bảo pháp môn niệm Phật có tiệm, thiên, đốn, viên, khiến người tiến tu tùy theo căn cơ về nơi chí đạo.
03. Chánh tông: khai thị về đạo lý chánh tâm Niệm Phật Tam-muội, khiến cho người tu tập hiểu rõ tông chỉ, thấu suốt cội gốc.
04. Chánh phái: vốn nói rõ chỗ gốc ngọn đắc đạo của Phật Tổ cùng các bậc tông sư, muốn giúp cho hàng hậu học biết có cội nguồn.
05. Chánh tín.
06. Chánh hạnh.
07. Chánh nguyện: khiến cho mọi người tin chánh pháp, tu chánh hạnh, phát chánh nguyện cầu sinh về Tây Phương.
08. Chánh quyết vãng sinh: vốn nói rõ con đường vãng sinh Tịnh độ lúc lâm chung.
09. Chánh báo: trình bày rõ công đức trang nghiêm của Y báo, Chánh báo nơi Tịnh độ do tu hành đạt được.
10. Chánh luận: dẫn những lời chân thành của chư Phật để phá dẹp sự chấp trước sai lầm tà vạy, khiến cho mọi người sửa ác làm lành.
Ở đây chẳng dám nói hỗ trợ tông phong, chỉ là giúp ích cho người chưa nghe mà thôi. Mong muốn người có tâm cong vạy trở nên ngay thẳng, đổi tà thành chánh, dứt trừ nghi ngờ, người mê được ngộ. Mọi người khắp trên thế gian trong một niệm đều được Niệm Phật Tam-muội, cùng chứng ngộ Bồ-đề. Như thế, chẳng phải là lợi ích rộng lớn lắm sao!
Xin người tu Tịnh nghiệp mở lòng từ bi xem thử một lần, thấy nghe tùy hỉ, tán thán phụ giúp lưu thông. Còn như một câu: “Khi Phật Tổ chưa ra đời” thì xin để mắt nhìn cao hơn!
Ngày Phật Di Đà đản sinh.
Năm Ất Tỵ, niên hiệu Đại Đức thứ 9 (1305), ở Liên Tông Thiện Pháp
Đường, Đông Lâm Thiền Tự tại Lô Sơn, Giang Châu
Ưu Đàm kính ghi